Trưa hôm Thứ Sáu vừa rồi, thấy thư của Nhị Đệ tôi gửi cho Phụ Thân, và CC cho tôi, với một câu hỏi ngắn gọn:
P & M wrote on 30/09/2010 1:11 PM:Câu hỏi đơn giản làm sao, mà khiến tôi nghẹn đắng cổ họng. Lần này, tôi không còn can đảm lẫn tự tin để lên tiếng.Ba, Ngày dỗ Ô Nội năm nay Ba có định làm gì không?
Giỗ Ông Nội tôi (27-08 AL) năm nay rơi vào ngày Thứ Hai, 4 tây tháng 10. Trưa hôm nay (Chúa Nhật), Nhị Đệ tôi lên Toronto. Phụ thân tôi rũ cả bọn đi nhà hàng ăn Điểm Sấm. Ông dành một chỗ ngồi cho Ông Nội tôi, một dĩa thức ăn, và một chai bia Budweiser. Ba tôi rõ là một người con hiếu thảo. Câu chuyện trên bàn ăn thoáng nhắc đến Thất Thúc và Ngũ Cô, rồi quay về cuộc sống hằng ngày của mọi người đang hiện diện. Tôi thoáng ý thức được cơ hội “truyền bá đức tin” đối với gia đình tôi—quan niệm cúng giỗ trong đạo Công Giáo—nhưng tôi đã lặng câm.Mấy năm gần đây, vào mỗi dịp giỗ ông bà, tôi cố chép lại một vài câu chuyện xưa, tồn đọng từ nơi ký ức nghèo nàn này, để sau này con cháu còn có được chút ấn tượng về cội nguồn. Năm 2008, tôi đã có kể về lúc Ông Nội qua đời. Nay nhớ thêm, lúc đó Bà Nội tôi bảo tôi đứng chắp tay bên cạnh quan tài để hầu Ông. Tôi đứng hầu một hồi thì cảm thấy …mắc đái, nhưng lại không dám bỏ chỗ đi. Được một lát thì không chịu nỗi nữa, tôi bật òa lên khóc. Bà con bèn xúm tới. Bà Nội tôi--lòng luôn nghĩ tốt về con cháu—bảo: “chắc nó nhớ thương Ông Nội nó nên nó khóc.” Tôi nghe thấy êm tai, bèn xuôi theo. Nhưng được vài phút lại chịu không nỗi nữa, bèn nói với Nội là con mắc đái. Nội dẫn ra sau hè, bảo “con đái đi”. Khổ nỗi, tôi rặn quá trời mà đái không được nữa, thoạt đầu tưởng bị bí đái. Nhưng sau rồi đâu cũng vào đấy. Rồi thì Nội cho chạy đi chơi, không bắt đứng hầu nữa.
Sau đó, Nội lên Sài Gòn giúp Ngũ Cô buôn bán, để tôi ở lại Gò Công với Thất Thúc, vì tôi đang đi học. Thời ấy tôi được Ngũ Cô tặng cho biệt danh “Thỏ Đế” vì tính sợ ma. Thất Thúc dạy tôi mỗi tối nấu cơm tối xong thì bưng lên bàn thời cúng Ông Nội trong lúc thúc làm trong đồng ruộng (cách nhà 1km) phải về tối. Tôi dọn cơm, đốt nhang xong thì leo lên giường trùm mền lại để… trốn ma. Thi thoảng lén he hé mí mền lên nhìn về hướng bàn thờ, thấy dưới bóng đèn dầu lòe loẹt, con mèo hàng xóm nó phóng lên bàn thờ đớp đồ ăn vô tư, sợ quá không dám xuống đuổi mèo. Có hôm tôi “teo” quá kềm không đặng, bèn tốc mền, ba giò bốn cẳng chạy lên nhà Bác Ba Giáo chơi, chờ Thất Thúc đi làm về ngang thì đón tôi về.
Cập nhật 07/10/2010 12:59PM ET:
Mới vừa thấy tin nhắn của cô em họ tôi (con gái lớn của Thất Thúc):
(06/10/2010 1:24:22 PM): hôm qua em về với cô Năm,2 cô cháu đi về trong ngày bằng xe máy, vì công việc nên em chỉ nghỉ được 1 ngày thôi, cô 5 cũng bận việc nhà cửa,12 này là cô 5 fải chuyển nhà đi rồi. À, năm nay có Bác tư về nữa anh ạ, ổng ốm nhách mà đen thui…Đọc đến đấy làm tôi nhớ thêm một câu chuyện. Nhớ chuyện nào bèn ghi ngay xuống chuyện nấy, kẻo thời gian xóa nó đi mất.
Mấy ngày trước khi Ông Nội qua đời, Tứ Thúc tôi, mỗi tối sau khi đi làm về, ông bắt ghế ngồi hầu bên cạnh giường bệnh của Ông tôi để tâm sự: “Ba, Ba thấy đỡ không Ba? Ba có biết là con thương Ba không Ba?” Ông Nội tôi thì thào, “Biết, mà mới biết bây giờ.” Câu trả lời ngắn ngọn của Ông Nội đã được hiểu theo hai cách khác nhau. Bà Nội tôi đã kể đi kể lại chuyện này nhiều lần. Theo Bà thì, Ông Nội tôi trách Tứ Thúc đã chờ đến lúc Ông gần chết mới quan tâm. Hồi năm 1998 khi tôi về Việt Nam dự đám tang của Bà Nội tôi, Tứ Thúc tôi nhắc lại câu chuyện này và tôi hiểu rằng Thúc đã hiểu câu trả lời năm xưa theo cách khác. Thúc cảm thấy được an ủi bởi lòng hiếu thảo với cha từ bấy lâu (mà mọi người không nhìn thấy) cuối cùng đã được công nhận trong giây phút chia ly ấy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét