Hai trong ba ngày Tam Nhật Thánh vừa rồi, tôi đã ở thành phố Thánh Tôma. Chuyến đi này gặt hái được bài học từ bác Long, liên quan đến vấn đề va chạm tình anh chị em trong gia đình.
Thứ nhất, kẻ làm anh/chị cả trong nhà phải nêu gương nhẫn nhịn và bao dung, khi đứa em mình có lời nói hoặc hành động vô lễ, xúc phạm, khinh thường đến mình. Điều này thích hợp với lời dạy của Chúa Cứu Thế trong dịp Lễ Lá Chúa Nhật tuần rồi , khi Ngài bảo:
"Vua các dân thì dùng uy mà thống trị dân, và những ai cầm quyền thì tự xưng là ân nhân. Nhưng anh em thì không phải như thế, trái lại, ai lớn nhất trong anh em, thì phải nên như người nhỏ tuổi nhất, và kẻ làm đầu thì phải nên như người phục vụ. Bởi lẽ, giữa người ngồi ăn và kẻ phục vụ, ai lớn hơn ai? Hẳn là người ngồi ăn chứ? Thế mà, Thầy đây, Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ. Còn anh em, anh em vẫn một lòng gắn bó với Thầy, giữa những lúc Thầy gặp thử thách gian nan. Vì thế, Thầy sẽ trao Vương Quốc cho anh em, như Cha Thầy đã trao cho Thầy, để anh em được đồng bàn ăn uống với Thầy trong Vương Quốc của Thầy, và ngự toà xét xử mười hai chi tộc Ít-ra-en."
~ Luca 22:25-30
Đức Tân Giáo Hoàng Phan-xi-cô cũng đã làm chứng cho sự khiêm hạ, khi ngài rửa và hôn chân 12 người trẻ trong trại tù Casal del Marmo ở Roma hồi Thứ Năm vừa rồi, trong đó có hai người tín đồ Hồi giáo và hai phụ nữ.
Và chính Chúa Giêsu đã là gương khiêm hạ tuyệt vời nhất, khi đã trút đi ngôi vị Thiên Chúa của mình mà khoác lấy thân phận con người thấp hèn, để cứu người yêu của Ngài khỏi sự đọa đày của tội tình. Và, khi lời nói và việc làm của Ngài đụng chạm đến lợi ích riêng của nàng, thì nàng đã sỉ nhục, hành hạ, và xử Ngài cho đến chết thảm. Trước sự bất công ấy, Ngài đã không hề chống cự, lại còn thốt lên câu: “Xin Cha hãy tha thứ cho em ấy, vì em ấy không biết việc mình làm” (Luca 23:34). Rồi thì, ngay sau khi Ngài sống lại, đã sai các môn đồ đi rao giảng cho chính kẻ đã sát hại Ngài, ngõ hầu cho họ biết ăn năn hoán cải mà được hưởng nguồn hạnh phúc muôn đời.
Câu chia sẻ thứ hai của bác Long: Nếu nhẫn nhịn không được thì hãy xem như mình không hề nghe những lời lẽ ấy. Tôi nghĩ, trong những khoảnh khắc ấy, tôi cần phải nhớ tới hình ảnh Chúa Giêsu đang bị phun nước miếng vào mặt, mà khấn nhanh một câu: “Lạy Chúa! Con nhận biết rằng Chúa đang mời gọi con: Hãy là Chúa đối với đứa em đang sỉ nhục con. Xin dạy cho con biết phản ứng thế nào để cả hai chúng con cùng tiến gần tới Chúa hơn sau sự va chạm này.”