Sướng khổ

Mấy tuần trước, tôi nằm mộng, thấy mình đang cầu nguyện, vừa sướng lên câu Kinh "Lạy Cha chúng con ở trên Trời", thì tôi ngất đi trong tâm trạng mê ly. Thức dậy, tôi liên tưởng những gì mình đã mơ với sự kiện có lần đọc được rằng một vị thánh nào đó đã chỉ vì nghe được một nốt nhạc trong bài Diễm Ca mà đã hôn mê 3 ngày ba đêm. Sống trên đời này, chúng ta ai cũng muốn có một cuộc sống sung sướng như ở thiên đàng, chứ chẳng ai muốn khổ cực như một địa ngục trần gian. Nhưng trần gian sa ngã này vốn đã thuộc về Sa-tăng, nên tràn đầy sự thống khổ .  Hoặc cũng có những thứ bề ngoài có cái vẻ của sự sung sướng, mà chỉ là cái sướng tạm thời, và sau đó là vực sâu của khổ đau. Đối với người Công Giáo, Thiên Đàng đã sáp nhập vào trần gian. Vì thế trong cái khổ của thập tự giá, mà mọi người môn đệ của Đức Kitô phải gánh vác trên cuộc lữ hành này, là cái sướng được Thiên Chúa Ba Ngôi Cực Thánh ngự trong lòng mình, như cái sướng của Thánh Nữ Tê-rê-xa Avila trong khoảnh khắc thần bí mà ngài đã trải qua.

Sang chuyện khác, tối Thứ Sáu hôm 13/12 vừa qua, lần đâu tiên trong sáu năm làm việc, tôi đi dự tiệc Giáng Sinh của công ty. Mấy năm trước, vì diện cớ lo toan cho gia đình nhỏ của mình mà tôi đã từ chối khéo. Mấy năm gần đây, do chút bấn loạn tinh thần gần như ở mức trầm cảm, công việc của tôi đã không được kết quả như ý, nên từ một động viên "nhẹ" của sếp, tôi quyết định đầu tư thêm thời giờ để xã giao với các thành viên trong nhóm. Kết quả, vừa ăn tối xong thì bọn nó đã giải tán, ai về nhà nấy hết trọi. Đến màn khiêu vũ thì chỉ còn tôi và một anh tester. Khoảng 10h đêm thì tôi ra về.

Nhắc về việc trầm cảm, hình như mấy năm gần đây hình như tôi thật sự bị rối loạn thần kinh! Những lúc tôi chơi bóng bàn với đồng nghiệp, anh bạn tên V đã chua một câu: "Tâm thần mầy có vấn đề. Tao biết mầy thừa khả năng để chơi khá hơn. Tao đã từng thấy mầy chơi khá hơn; nhưng mầy liên tục huỷ hoại mọi cơ hội tốt để triệt hạ đối thủ." Có lẽ những cái đau chồng chất trong vài năm vừa qua đã làm cho tôi mất tập trung. Có lẽ nên dành năm mới 2020, bắt đầu một thập niên mới, tôi cần đi sâu hơn vào nội tâm để tìm Chúa, để khẩn cầu Ngài khôi phục lại cái đầu mình.
Chia Sẻ:

Từng bước tiến lên trên đường đời

Viết và nhìn lại để thương các con hơn. Tuần này cả Ba lẫn Mẹ đều bận công việc, nên ba anh em tiểu tử nhà tôi tự dắt nhau đi bộ về nhà sau khi tan trường. Đây là một bước tiến trọng đại trên đường đời của ba anh em và bao gồm những tình tiết thật ly kỳ: ngày đầu thiếu chuẩn bị nên Xoài bị lạnh; anh hai đã hy sinh áo khoác của mình để cho em được ấm.







Chiều hôm nay (Thứ Bảy), sau lớp Việt Ngữ, bốn cha con đi dâng Thánh Lễ tại nhà thờ Giáo Xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Toronto, để tôi và Tiểu Độc Khách đi xưng tội bằng tiếng Việt. Lần nữa, cha Quyền tư vấn cho tôi một hồi lâu; những lời khuyên của ngài đáng để tôi suy ngẫm và chiêm niệm. Nhân dịp Lễ bổn mạng các thánh tử đạo VN, cha Liệu (nghe nói từ giáo phận Hà Nội sang viếng) đã giảng về sự tử đạo trắng (white martyrdom) mà dân Chúa đã và đang gánh chịu trong suốt lịch sử cứu độ. Tôi nghĩ, nếu là môn đồ của Đức Kitô thì không thể tránh thập giá tử đạo, không đỏ thì trắng, không trắng thì xanh, nếu muốn lãnh nhận mão triều thiên ở cuối đời này.

Và sau cùng, hình như tôi đã quên khoe với bạn hiền, rằng gần hai tháng nay, vì lợi ích cho sức khoẻ, tôi đã kiên trì tập thể thao mỗi ngày theo chương trình tự tập Freeletics. Hình như nó đã gặt được chút ít thành quả.
Hình chụp hồi 9/10/2019.
Chia Sẻ:

Viết cho tháng 10/2019

Chúa Nhật vừa rồi là ngày đổi giờ địa phương, chính thức vào lúc 3 giờ khuya giờ miền đông Canada (EDT), đồng hồ đã thụt lùi lại một giờ, kết thúc 8 tháng tiết kiệm ánh sáng (Daylight Saving Time).

Hồi giữa tháng 10, Ảo Ba Từ đã chính thức được che phủ, chuẩn bị cho một mùa đông nghiệt ngã sắp đến.
Vào cuối tháng 10, gia đình tôi ăn mừng Lễ Tạ Ơn trong "đạm bạc" cùng vài người bạn do "ngẫu hứng" đã ghé thăm.


Hôm 15 tháng 10, cục máy mở cửa tự động cho nhà xe đã tự quyết định không tuân thủ nút lệnh đóng/mở. Lên mạng tìm cách sửa chữa thì nghe anh bạn Google của tôi mách nhỏ rằng, công ty sản suất cục máy này đã ngưng chế tạo máy mở cửa garage từ năm 1997. Đã đến lúc thay máy mới thôi!

Tìm trên mạng thấy ở Lowe's có bán máy này, giảm giá 30%. Thế là bắt đầu một "tiểu dự án".
Nghe đâu thợ bình thường sẽ mất khoảng 8 giờ để ráp máy. Tôi là thợ mò, nên đã tốn cả ngày Thứ Bảy, Chúa Nhật, và 3 tiếng đồng hồ tối Thứ Hai mới xong. Tuy đã tốn nhiều thời giờ, nhưng cũng vui vì tự gom góp được chút kinh nghiệm.



Thắm thoắt đã 6 năm trôi qua, từ khi tôi bắt đầu lui tới tòa nhà này. Tuần tới, công ty sẽ dời đi nơi khác. Địa điểm mới, nếu tôi muốn đạp xe đi làm, thì sẽ phải mất 1 giờ đồng hồ. Nhắc đến đạp xe đạp mới nhớ, đã 3 năm rồi, lắm lúc do tranh thủ chạy về sớm để đón bọn nhỏ khi tan trường, nên tôi đã không còn giàu thời gian để đạp xe đi làm. Tự hứa với mình, hè năm tới sẽ cố gắng tranh thủ thôi, vì lợi ích cho sức khoẻ. :)

Chia Sẻ:

Quạt cho con

Tối nay lại có dịp nằm quạt để dỗ cho Mít ngủ. Ba anh em, từ Anh Hai, đến Chị Mít, đến em Xoài, đều đã từng được tôi quạt cho ngủ.

Mỗi lần nằm quạt cho con ngủ, tôi đều nhớ tới Chú Bảy tôi. Nhớ ngày xửa ngày xưa, dưới quê Gò Công, mỗi khi Bà Nội tôi lên Sài Gòn có công chuyện, để tôi ở lại quê đi học, thì tối đến tôi ngủ với Chú Bảy tôi. Chú Bảy kể chuyện đời xưa và dùng quạt lá dừa quạt mát cho tôi ngủ. Chú quạt mỏi tay, mỏi mắt, ngưng tay một tí là thằng tôi bèn chạm nhẹ vào chú để chú tỉnh lại để tiếp tục quạt và kể tiếp.

Với hành trang là ký ức đẹp của ngày xưa, tôi tạo kỷ niệm đẹp cho các con tôi ngày mai.

Hình: tôi và bé Xoài nằm đọc sách trước khi ngủ.
Chia Sẻ:

Tàn hạ 2019, ngẫm về sự khiêm hạ

Hằng năm, sự kết thúc của Lễ Hội CNE vào cuối tháng 8 là một báo hiệu cho mùa hè đã hết, mặc dù năm nay mùa thu sẽ không chính thức đến cho tới ngày 23 tháng 9. Mấy tiểu tử nhà tôi năm nay được món quà bất ngờ từ vài người lạ tốt bụng.
Sau khi tôi thất bại trong trò chơi khỉ đu cây...
...hai cô cậu tốt bụng này ...
Hình chụp với cô cậu tốt bụng người Sa-ma-ri @ 20/08/2019
đã chạy theo mấy cha con tôi và tặng bé Xoài con gấu bông khổng lồ mà họ đã thắng được ...

Hôm qua trời đẹp, cả nhà chạy qua Vườn Bách Thảo Toronto để ngắm cảnh và đạp xe.
Cạnh Vườn Bách Thảo (Toronto Botanical Gardens) là công viên tên Edwards Garden, có đường đạp xe đạp rất đẹp.

Trong bài đọc Tin Mừng hôm nay, nghe Ngôi Lời phán một câu mà người ngoại đạo dễ hiểu lầm:
“Ai đến với tôi mà không từ bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được...” (Lc 14:26-27)
Tiếp theo bài giảng của Chúa Nhật tuần trước, hôm nay Chúa tiếp tục giảng dạy về sự khiêm tốn. Bởi, đây là cùng một Ngôi Lời vốn đã ban Điều Răn Thứ Tư, "hãy thảo kính cha mẹ", và
Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy. (Mt 10:37-38) 
Thiên Chúa là Sự Thật, và Ngài không thể nào mâu thuẩn với chính mình. Vậy phải ứng xử như thế nào đây, khi cha mẹ, vợ con, anh em, và ngay cả những dục vọng của chính tôi, đã biến thành những thập giá trên vai tôi? Thế nào là "biến thành thập giá"? Thế nào là yêu cha mẹ, yêu vợ con, yêu anh em hơn Thiên Chúa? Nếu vì yêu thân nhân mà tôi biến thành một con người dối trá, thì đó chính là lúc tôi đã yêu con người thụ tạo hơn yêu Đấng Tạo Hoá, và là lúc tình yêu của tôi đã suy đồi.
Chia Sẻ:

Santa Maria, Cuba

Gia đình tôi vừa trải nghiệm một tuần đi nghỉ mát tại hòn đảo Santa Maria của Cuba. Đây là lần đầu tiên chúng tôi đi chơi lâu tại một vùng biển như thế này. Phong cảnh tuyệt vời, thời tiết và nước biển ấm áp, ví như cõi thiên thai, một cuộc nghỉ ngơi cần thiết để chuẩn bị cho cơn giông tố sắp đến. Trở về với hạ giới Toronto vào đêm Thứ Ba, sáng Thứ Tư vừa rồi, máy bay đáp xuống phi trường Pearson vào hơn 2 giờ sáng, về đến nhà, thu xếp sơ, leo lên giường thì đã 4 giờ sáng. Tôi ngủ đến hơn 9g thì thức dậy đi làm.

Nhiều chi tiết của chuyến đi cần có thêm thời giờ để nghiền ngẫm thêm sau. Nhất thời, tạm chia sẻ lại đây tập ảnh lưu niệm để bạn chiêm ngưỡng trước nhé!
Chia Sẻ:

Ai bỏ ai?

Sáng thức dậy, đọc thấy ai đó đăng tin này trên FB:
Chúa phán:
Xi-on từng nói : “ĐỨC CHÚA đã bỏ tôi, Chúa Thượng tôi đã quên tôi rồi!” Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ. (Isa-i-a 49:1415)  
Cho nên, đừng buồn nhé, bạn mình! Hãy giữ vững niềm tin!

Chia Sẻ:

Xử trảm ngẫu thần!

Chiều hôm qua, mấy cha con kéo nhau đi xưng tội. Tôi xưng lung tung thứ tội, nhưng tôi quên một tội quan trọng nhất, đó là tội tôn thờ ngẫu thần. Nhưng hình như cha giải tội cũng đã hiểu, nên cha khuyên mình nên cầu nguyện xin ơn chế ngự cám dỗ tự cho mình quyền năng của Thiên Chúa. Oi!

Hai cha con đang ngồi thư giản sau khi đi dâng Thánh Lễ về.
Hình Chị Mít chụp.
Bây giờ, ngồi lại để tiếp tục xét mình, thì suy cho cùng, quả thật là những tội tôi vấp phạm, đều xuất phát từ một tâm trạng: thiếu sự tin cậy vào quyền năng của Thiên Chúa. Trong Thánh Lễ hôm nay, Thánh Phao-lô há đã khuyên tôi:
Vậy anh em hãy giết chết những gì thuộc về hạ giới trong con người anh em: ấy là gian dâm, ô uế, đam mê, ước muốn xấu và tham lam; mà tham lam cũng là thờ ngẫu tượng. (Cô-lô-sê 3:5)
Những gì thuộc về hạ giới vốn là phù vân. Tôi cần đến chúng chỉ vì một lý do: vì chúng giúp tôi trong hành trình đi về thượng giới. Tôi cầu xin Đức Chúa Cha, cho tôi ơn khôn ngoan để phân biệt được những gì giúp tôi ngày càng tiến gần đến Nước Trời, so với những tư tưởng khiến cho tôi phải tách rời khỏi chính đạo, và khi nhận ra được nguy cơ vấp ngã, thì cầu cho tôi đủ sức mạnh để chém bay đầu những tư tưởng ấy ngay, đừng để chúng phát sinh ra lời nói và việc làm! Vì công nghiệp của Đức Chúa Con, hiệp nhất với sự linh hướng của Đức Chúa Thánh Thần, Một Thiên Chúa của vũ trụ muôn lòai, từ muôn thuở đến muôn đời. Amen.
Chia Sẻ:
Trời đã vào tháng 8, thấm thoát hơn nửa mùa hè đã trôi qua. Dạo này lại "lười" viết. Rất nhiều chuyện muốn ghi lại, nhưng tâm trí ngổn ngang, nặn chữ không còn nhanh nhẹn. Rồi chuyện này chồng chất lên chuyện khác, nhiều quá. Ghi nhanh vài dòng ngắn trên Facebook thì không thành vấn đề, nhưng phải ngồi lại đúc kết thành một bài viết có tình tự thì ngán quá.

Mùa hè năm nay tôi đã toan tính đạp xe đi làm, nhưng có lẽ mưu toan sẽ không thành, vì không có thời gian...Nhưng, chắc có lẽ vì sức khoẻ, mình cũng phải quyết tâm thôi, ít nhất trong tháng cuối hè. Để xem sao.

Hôm sáng Chúa Nhật, 14 tháng 7 vừa qua, sau Thánh Lễ, trong khi mấy cha con tôi đang nhập tâm quì đọc kinh tạ ơn, thì có một bà Tây nhích đến khều khều tôi. Tôi giật mình mở mắt ra, thì bà ta chìa cho tôi một tấm hình mà vừa nhìn đến trong lòng có chút hốt hoảng. Bà ta bảo, đây là tấm hình được chụp ở Mễ Du, người chụp vớ máy chụp vào bức tường trống, mà lại hiện ra chân dung này. Và bà ấy muốn tặng tôi bức ảnh này. Tại sao?

Tôi vừa thoát chết khỏi một đợi đánh giá năng suất nhân viên (performance review) hàng năm. Năm vừa qua tôi làm việc quá tệ, bị nhiều chuyện riêng làm mất tập trung. May ra có ông sếp nhân hậu, thấy tôi còn giá trị cho công ty, nên chưa vội sa thải.

Cuối tháng này sẽ ra toà. Thập giá nặng hơn 300 ngàn cân mà tôi mang lấy 3 năm nay đang sắp đi đến chặn đường cuối cùng. Và sau đó là ... đóng đinh. Và còn hai cây thập giá nữa.

Mấy hôm nay mình cảm thấy nằng nặng nơi lồng ngực.

Áp lực từ tứ phương. Nếu không có ba đứa nhóc để tâm sự mỗi ngày thì chắc Độc Cô Quá Khách sẽ suy sụp hoàn toàn.

Thế mà... 

Sao tôi lại nhẫn tâm quên đi một Vị Khách đang âm thầm chờ tôi nơi Cung Lòng. Sao tôi lại nghi ngờ đối với niềm hy vọng duy nhất của tôi. Khốn nạn cho tôi vì tôi là một thằng ngốc. Tin - Cậy - Mến. Đức cậy của tôi đã bỏ đi đâu?
Chia Sẻ:

Rắn vào vườn

Nhà tôi hình như hơi bị hiếu khách. Năm ngoái có đàn ong đến làm tổ bên hè. Năm nay có chú rắn cáo mon men tới chơi tại khu vườn sau nhà tôi. Loài rắn này không có độc. Tôi chuyển dịch từ ngữ "rắn cáo" từ tên Anh ngữ của nó là "fox snake", vì nghe đâu loài rắn này toả mùi giống như mùi xạ của con cáo đỏ (red fox). Hôm nọ khi vừa phát hiện ra chú ta, tôi mang bao tay, cầm cây cuốc làm vườn đè đầu chú ta ra, định bắt đem thả chú ra khu rừng cạnh nhà. Nhưng, do tôi đè chú nhẹ quá (vì không muốn giết chú), nên đã để chú ta vùng thoát.  

Rắn! Ugh! Tôi sợ chúng! Nhưng tôi giống chúng ở chỗ, từ sự khiếp sợ, tôi có thể hành động bất thường.  Nhớ năm xưa, bên gò đất của Tứ Thúc tôi, một con rắn lục đang bò trên lùm cây cách chỗ tôi đang đi khoảng 1 mét cũng đã làm tôi thất kinh hồn vía. Lần đó, tôi đã dùng nhánh roi đang cầm trên tay, chặt đứt nó làm đôi.  Lần này, tuy không muốn giết chú rắn cáo trong vườn, nhưng chắc tôi phải cầu với Thánh Patrick, nhờ ngài đuổi chú khỏi vùng đất nhà mình thôi!

Sang bản tin khác, cập nhật tình hình bị gãy xương chân. Xin báo cáo với bác là em nó đã lành lại đủ để đi bơi lội với người ta rồi ạ. 😄
>
Chia Sẻ:

Cạn lực, trong niềm vui

Tuần này công việc tạo nhiều áp lực, rối trí. Tôi nhận thấy được rằng mình hay bực bội, quát mắng quá đáng với các con. Mới sáng hôm qua, tôi đã chia sẻ với ông anh rễ, là tôi làm mọi việc bằng tận khả năng, xong rồi rút lui để "mai danh, ẩn tích giang hồ". Hôm nay lời nói đó được chứng thực. Sáng nay thức dậy cảm thấy mình kiệt lực. Lo món ăn sáng và buổi ăn trưa cho các tiểu tử và chở chúng đến trường xong thì mình gửi thư nhắn vào công ty xin nghỉ. Giờ đây sau khi đã tảo thanh (hút và xả cặn) Ảo Ba Từ, tắm rửa, ăn sáng, và tịnh tâm được 1-2 giờ thì tôi đã tìm lại bình an, đang chuẩn bị đăng nhập vào mạng công ty và làm việc từ nhà, được tí nào hay tí nấy, sau khi ghi lại vài dòng lưu bút này.

Tuần trước, nhân dịp Lễ Nữ Hoàng Victoria, tôi khai mở Ảo Ba Trì.
Hình 21/5/2019
Nhưng năm nay nước ao chậm trong (có lẽ do lỗi xữ lý), và máy bơm lọc lại hay làm khó dễ (xem facebook video bên dưới.
Vì thế đã hơn 1 tuần sau khi khai mở ao mà nước ao vẫn chưa được như ý. Thêm vào đó, trong nước có nhiều hạt bong bóng nhỏ tí ti như hạt gạo tấm. Tìm đọc trên mạng thì họ bảo rằng có thể do hộp nước dẫn vào máy bơm/lọc bị hở/rỉ. Hai hôm trước tôi phát hiện ra đây là trường hợp của mình (hộp này có hai nút thoát, nút bên phía vách nhà bị hở), nên đã mở nút thoát nước ra, quấn 2 lớp keo lụa (threaded tape), và nút lại thật chặt. Hôm nay nước đã trong hơn nhiều. Nếu tập trung tầm nhìn thì có thể thấy tận đáy ao.

Và sau cùng, thêm một tin vui: đầu tuần nay, bàn chân gãy của tôi đã hồi phục đến độ có thể mang giày được. Kể cũng nhanh nhỉ! Tôi nghe vài người đã bị trường hợp giống tôi, họ bảo phải mất 6 tháng mới hoàn toàn hồi phục. Tạ ơn Chúa vì mọi phép lạ nho nhỏ Ngài đã mang đến cho đời con.
Hình 27/05/2019
@27/05/2019


Chia Sẻ:

Gãy xương gãy tình

Hôm qua đi tái khám cho khối xương bàn chân bị gãy. Bác sĩ chuyên khoa bảo quá trình hồi phục "đang tiến triển tốt". Tôi hỏi có khả năng nào xương gãy sẽ liền lại được không? Ông bảo: "Có chứ! Anh nhìn trên hình X-ray xem, thấy can xương (callus) nó đã bắt đầu mọc lại bao quanh chỗ bị gãy đó sao? Khoảng 2 tuần nữa là anh có thể mang giày thường trở lại." Tôi nhìn hình X-ray, thấy khối xương thứ 4 có vẻ đang lành, nhưng khối xương thứ 5 (khối xương dẫn ra ngón chân út) thì hình như tệ hơn. Thôi thì chuyên gia nói sao mình nghe vậy vậy.

Sáng nay tứ đệ gọi điện cho tôi. Hai anh em nói chuyện 5 phút thì cúp máy mà lòng buồn buồn. Tôi thử nghĩ, nếu là 10 năm về trước, khi hai anh em còn ở chung nhà, thì nó có nghĩ là tôi có thể có thái độ như vậy không, hay là nó sẽ lập tức bênh vực anh hai: chắc M nghe lầm hay sao ấy, chứ anh chị đã từng một thời bảo bọc mình, thương mình không hết chứ làm sao lại có suy nghĩ như vậy về mình. Nếu tình cảm đủ khắn khít thì không một quyền lực nào có thể đánh gãy nó được. Cho nên tôi sẽ chọn sự im lặng, không cần thiết biện minh gì cả.
Hình hồi năm 2009 khi hai đứa em giúp tôi hoàn tất tầng hầm nhà cũ.

Chia Sẻ:

Ngày Hiền Mẫu 2019

Ngày Hiền Mẫu năm nay tôi đi ăn hai bữa "tiệc" để vinh danh mẫu thân tôi một cách thầm lặng.

Tối Thứ Bảy, đi ăn nhà hàng với tứ đệ và mẹ. Sẵn dịp hai anh em ngồi nói chuyện về việc bàn chân tôi bị gãy xương, tam đệ cho tôi xem ngón tay của nó bị liệt do lúc xưa đá banh bị gãy xương. Mấy tuần nay tôi vẫn hy vọng rằng khúc xương bàn chân mình rồi sẽ có thể tự nối liền lại như xưa. Nhưng nay thì tôi hiểu rằng, vết thương này sẽ không bao giờ phục hồi lại như xưa nữa. Cũng như vết thương của Chúa Giê-su; nếu sau này tôi có phần phúc gặp nhan thánh Ngài nơi chốn thiên đàng, tôi cũng sẽ thấy dấu đinh trên tay và chân Ngài, và vết thương bị giáo đâm trên sườn Ngài.

Trưa Chúa Nhật, cùng mẹ chạy xuống nhà tam đệ để tán dương mẹ lần thứ hai. Tôi hát tặng mẹ tôi bài Bông Hồng Cài Áo. Đã lâu rồi, tưởng rằng tôi không còn biết khóc, nhưng không hiểu sao hôm nay, miệng ngân từng câu hát, mà lòng xúc động không cầm được nước mắt. May thay, ánh sáng của căn phòng đã giúp tôi che giấu được dòng lệ đang lăn dài trên mặt mình.
Chia Sẻ:

Bảy ngày cuối đời của Đức Giê-su (phần 2)

Hôm nay là Chúa Nhật Thứ Hai Mùa Phục Sinh và cũng là ngày Lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót. Tôi tiếp tục suy ngẫm về bảy ngày cuối cuộc đời trần thế của Đức Giê-su, tiếp theo phần 1.

Ngày Thứ Ba: Khôi Phục Ý Nghĩa Nguyên Thuỷ của Hôn Nhân
Sáng sớm ngày Thứ Ba, Chúa Giê-su và các môn đệ lại trở vào Thành từ Bê-ta-ni-a. Ngài bắt đầu dùng dụ ngôn mà rao giảng trong Đền Thờ và đối chất với các thượng tế và kinh sư. Từ khi con người đánh mất hào quang Thiên Chúa trên mình bởi tội tổ tông, con người đã ngày càng hiểu sai hơn về mục đích của công trình tạo hoá, trong đó có mục đích của hôn nhân. Trong một cuộc đối thoại với người phái Xa-đốc (Sadducees), họ dùng một giả sử về người đàn bà có bảy đời chồng và các ông chồng đã lần lượt chết tiếp theo nhau, để thử thách Chúa Giê-su về sự sống lại. Nhưng Ngài đã chỉnh sửa họ với câu trả lời:
"Chẳng phải vì không biết Kinh Thánh và quyền năng Thiên Chúa mà các ông lầm sao? Thật vậy, khi người ta từ cõi chết sống lại, thì chẳng còn lấy vợ lấy chồng, nhưng sẽ giống như các thiên thần trên trời." (Mc 12:24-25)
Bởi hôn nhân tự nhiên là một dấu chỉ về một thực tại siêu nhiên hơn, nên cần thiết có một cái nhìn thánh khiết để chúng ta có thể thấy rằng sự giao hợp giữa người nam và người nữ ở đời này là tượng trưng cho sự giao hợp giữa loài người và Thiên Chúa ở đời sau. Vì thế cho nên ngay từ đầu, hôn nhân là một sự kết hợp trường tồn và vĩnh cữu. Bởi thế Chúa đã dạy, "Bất cứ ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình; và ai cưới người đàn bà bị chồng rẫy, thì cũng phạm tội ngoại tình" (Mc 16:18). Vì vậy, tôi đoán rằng, Chúa khen ngợi việc làm cao cả của bà goá nghèo trong Mác-cô 12:41-44 là vì bà rộng lượng cam chịu ở góa cho đến cuối đời, hơn với sự rộng lượng về tiền bạc.  Nhưng vì thực trạng yếu đuối của đời phàm mà Hội Thánh cho phép những người goá được tái hôn hầu đỡ bớt gánh nặng cho họ trong một thế gian đầy đau khổ này. Hình ảnh của hôn nhân, là biểu tượng cho sự giao hợp giữa Thiên Chúa và con người, đã được lập đi lập lại trong Thánh Kinh, đặc biệt là trong Sách Diễm Ca.  Một trong những câu thốt cuối cùng của Chúa Giê-su là: "Thế là đã hoàn tất!" (Gioan 19:30). Chữ "hoàn tất" rút từ tiếng Hy Lạp "telelestai" và được Thánh Giê-Rôm dịch nguyên câu ra tiếng La Tinh là "Consummatum est!" (It is consummated!). Hoàn tất ở đây còn có ý nghĩa là sự hoàn tất của hôn sự, khi hai vợ chồng động phòng đêm tân hôn. 

Ngày Thứ Tư: Giao Ước mới đã được tiên báo qua hình ảnh Thánh Giu-se thời Cựu Ước
Vào ngày Thứ Tư, Chúa Giê-su lưu lại Bê-ta-ni-a và được một người phụ nữ xức "dầu thơm cam tùng nguyên chất thứ đắt tiền" (Mc 14:3-9). Tập tục này ngày nay chúng ta cũng được thấy qua nghi thức Xức Dầu cho bệnh nhân.
Cũng trong ngày hôm nay, Giu-đa It-ca-ri-ót ra âm mưu phản Chúa với 30 nén bạc. Sự kiện này liên kết Chúa Giê-su với Thánh Giu-se thời Cựu Ước. Thánh Giu-se cũng từng bị một trong 11 người anh em của mình là Giu-đa bán đi với 20 nén bạc, bị lưu đày sang Ai Cập, nhưng sau đó, nhờ tài giải mộng, ông được nâng lên tột cùng danh dự, chỉ dưới tước vị của Pha-rao mà thôi, và từ tước vị ấy Giu-se đã giải cứu cả toàn thể dân Giu-đa khỏi nạn đói, bằng cách ban cho họ lúa thóc dự trữ của Pha-rao. Chúa Giê-su sau khi sống lại, sẽ cứu nhân loại khỏi sự chết, bằng cách ban cho chúng ta bánh hằng sống để ăn, đó là chính Mình và Máu Thánh của Ngài.

Ngày Thứ Năm: Bữa Tiệc Ly
Chiều Thứ Năm, Chúa Giê-su sai Phê-rô và Gio-an vào thành để chuẩn bị cho lễ vượt qua. Ở đây, Giáo Sư Brant Pitre giải thích về nghi thức người Do Thái trong việc chuẩn bị. Dân Ít-ra-en sẽ mổ con vật tế (cừu hoặc dê) mà họ mang theo, và vị tư tế sẽ hứng máu nó rồi đem tạt máu ấy dưới chân bàn thờ. Vật tế sau đó được xiên vào thanh cây hình chữ thập và được nướng quay. Như thế cho thấy, tập tục người Do Thái cũng đã tiên báo Đấng Cứu Thế sẽ dâng hiến của lễ toàn thiêu bằng cách nào.
Cũng trong bữa tiệc ly tối hôm nay, Chúa Giê-su đã thiết lập Bí Tích Thánh Thể truyền lại cho các môn đệ, để thực hiện lời hứa: "Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến ngày tận thế" (Mt 28:20).
Sau bữa ăn, Ngài cùng các môn đệ hát Thánh Vịnh (Mt 26:30); Thánh Vịnh 113-116 được Hội Thánh ngày nay đọc lên trong Thánh Lễ Tiệc Ly. Rồi thì Ngài đi cầu nguyện trong Vườn Dầu để chuẩn bị cho chặng đường thương khó; ngày nay Thánh Lễ Thứ Năm còn được gọi là Lễ Truyền Dầu. Ngài quay lại ba lần để khuyên các môn đệ canh thức cùng với Ngài:
"...Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Anh em ở lại đây mà canh thức...Cha ơi, Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn...Si-môn, anh ngủ à? Anh không thức nổi một giờ sao? Anh em hãy canh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu đuối...Lúc này mà còn ngủ, còn nghỉ sao? Thôi, đủ rồi. Giờ đã điểm. Này Con Người bị nộp vào tay phường tội lỗi. Đứng dậy, ta đi nào! Kìa kẻ nộp Thầy đã tới!" (Mc 14:32-42)
Ngày Thứ Sáu: Chịu Khổ Nạn và Đóng Đinh trên Thập Giá
Sau một đêm bị chịu cực hình bởi Quan Tổng Trấn Phi-la-tô, Đức Giê-su bị đóng đinh trên cây thập tự. Sau khi Ngài chết, quân lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Ngài và lập tức máu và nước tuông ra từ chỗ bị đâm. Điều này gợi nhớ đến Đền Thờ Giê-ru-sa-lem vào ngày chuẩn bị Lễ Vượt Qua, nơi có máu và nước tuôn chảy ra từ bên phải đền thờ; máu từ các con vật hy sinh bị hành huyết và nước rửa chạy ra từ rạch nước thảy từ trong Đền Thờ chảy ra. Chúa Giê-su là Đền Thờ mới thay thế Giê-ru-sa-lem, và Cung Thánh chính là Trái Tim Cực Thánh của Ngài. Đây cũng là hình ảnh của Lòng Chúa Thương Xót mà Thánh Nữ Faustina đã nhìn thấy vào năm 1931.

Ngày Thứ Bảy: Rao Giảng Tin Mừng Đến Tận Âm Phủ
Ngày hôm nay, thân xác Ngài yên nghỉ như Ngài đã từng nghỉ ngơi sau khi làm công việc sáng thế lúc Khởi Nguyên, nhưng Thần Khí Ngài tiếp tục làm việc cho Đức Chúa Cha ở tận chốn Âm Phủ nơi A-dong, E-và, tổ phụ Áp-ra-ham, và các thánh nhân từ thời Cựu Ước đang chờ đợi. Thư Thứ Nhất của Thánh Phê-rô chép:
Chính Đức Ki-tô đã chịu chết một lần vì tội lỗi – Đấng Công Chính đã chết cho kẻ bất lương – hầu dẫn đưa chúng ta đến cùng Thiên Chúa. Thân xác Người đã bị giết chết, nhưng nhờ Thần Khí, Người đã được phục sinh. Người đã đến rao giảng cho các vong linh bị giam cầm. (1Ph 3:18-19)...
Quả thật, chính vì thế mà Tin Mừng đã được loan báo ngay cho cả những kẻ chết, để tuy bị phán xét về phần xác theo cách nhìn của loài người, họ được sống về phần hồn theo ý định của Thiên Chúa. (4:6)
  
Ngày Thứ Tám: Phục Sinh, Một Công Trình Tạo Hóa Mới
Đây là trở lại ngày thứ nhất trong tuần, gợi nhớ ngày đầu trong bảy ngày Chúa tạo nên vũ trụ vạn vật. Đức Giê-su sống lại từ cõi chết để "mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu" (1Cor  15:20), cho một vũ trụ mới, một vũ trụ mà sự ác đã bị đánh bại.

Ngày nay, kể từ khi Đức Ki-tô phục sinh, đã trở về Trời, và đã ban Thần Khí của Ngài là Chúa Thánh Thần đến ngự giữa chúng ta, chúng ta đang sống trong một thế giới mà phe tà đạo đã thua phe chánh đạo. Thế nhưng tại sao, chung quanh ta, có vẻ như sự dữ vẫn được tiếp tục hoành hành? Tại sao bệnh tật, đói khát, bất công, giết chóc, vẫn còn đó? Thật ra, Chúa Giê-su không hề hứa hẹn là những thứ này sẽ chấm dứt, mà ngược lại, Ngài nhắc nhở chúng ta rằng:
Hãy nhớ lời Thầy đã nói với anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em. Nếu họ đã tuân giữ lời Thầy, họ cũng sẽ tuân giữ lời anh em. Nhưng họ sẽ làm tất cả những điều ấy chống lại anh em, vì anh em mang danh Thầy, bởi họ không biết Đấng đã sai Thầy. (Ga 15:20-21)...
Thầy nói với anh em những điều ấy, để trong Thầy anh em được bình an. Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian. (Ga 16:33)
Sự chiến thắng của Đức Ki-tô đối với tử thần đã mở đường hy vọng cho chúng ta chiến thắng sự dữ. Để chiến thắng sự dữ, cần thiết phải đi qua con đường thập giá Chúa đã đi. Mỗi người chúng ta đều mang trên mình một vài cây thập giá của riêng mình. Xin Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta lòng can đảm để vác thập giá của mình. Thế gian là chốn khổ đau. Chúng ta đang sống trong thế gian. Hành trình về Nước Trời bắt buộc phải đi qua những chặn đường khổ đau, và nếu chúng ta vâng lời Chúa, Chúa sẽ ngự trong chúng ta, và dù có khổ đau, chúng ta vẫn luôn luôn bình an.
Chia Sẻ:

Cập nhật tình hình bị gãy xương bàn chân

Hôm kia vào bệnh viện để khám và chụp X-quang. Ông bác sĩ cấp cứu (urgent care) bán cho cặp nạng, cho đi gặp chuyên khoa và dọa là xác suất 75% phải làm phẩu thuật. Ớn!

Hôm qua 6:40AM đi khám chuyên khoa. Bác sĩ cho biết không cần làm phẩu thuật, chi cần mang giày ống đặc biệt (họ bán giá $190CAD) để dưỡng thương. Hú hồn! Nhưng tạm thời không được lái xe.

Hình X-Ray.
Thử đoán vị trí.
Giày ống đặc biệt (walker boot).

Chia Sẻ:

Con gái nhân hậu

Con gái có lòng thương người, bắt đầu với người trong gia đình.

Hình chụp vào lúc sáng Chúa Nhật.
Hôm Thứ Bảy vừa rồi, con giúp Ba tắm cho em. Đang tắm thì con bị xay xẩm mặt mày, muốn ngã quỵ. May là lúc đó Ba đang ở gần, thấy vậy Ba thất kinh hồn, vội dìu con vào giường con, lau cho khô người, mặc quần áo, đắp chăn ấm cho con. Một lát sau thì con đã trở lại bình thường. Tạ ơn Chúa!

Chiều Chúa Nhật, trong lúc cả nhà đi chơi nhào lộn trong công viên bạt nhún (trampoline park) thì Ba bị té trật chân*. Về đến nhà, con đã lấy cối chày ra giã gừng, và lấy mảnh vải để cho ba bó chân.

Ba tiếp tục cảm ơn Chúa vì ba anh em các con đều rất ngoan và biết thương người. Xin Ngài không ngừng phái các thiên sứ của Ngài để bảo vệ và che chở các con.

---
* Hôm nay đi bệnh viện khám, mới biết không phải bị trật chân, mà là gãy xương bàn chân.
Chia Sẻ:

Bảy ngày cuối đời của Đức Giê-su (phần 1)

Bài viết này "mượn" ý từ một bài thuyết giảng của bác Brant Pitre, giáo sư Kinh Thánh tại học viện Augustine Institute ở Colorado, Hoa Kỳ. Bài giảng mang tựa đề, Holy Week, và tôi đã nghe được nó từ trang mạng formed.org, một dịch vụ streaming của Augustine Institute.

Ngày Thứ Nhất: Chúa Nhật Lễ Lá (Mác-cô chương 11)
Bê-ta-ni-a (al-Eizariya) và Giê-ru-sa-lem thời nay (Hình từ Google Maps).
Chúa Giê-su tiến về thành Giê-ru-sa-lem từ phía Núi Ô-liu tại Bê-ta-ni-a (nay được gọi là al-Eizariya, tiếng Á-rập nghĩa là Nơi của La-za-rô). Tức là từ phía đông. Trong Sách Tiên Tri Ê-dê-ki-en, ngôn sứ có chép, từ lâu lắm Thiên Chúa đã rời bỏ đền thờ Giê-ru-sa-lem vì tội lỗi Ít-ra-en quá nặng:
Vinh quang ĐỨC CHÚA bay lên khỏi thềm Đền Thờ và dừng lại trên các Kê-ru-bim. Các Kê-ru-bim dang cánh và cất mình lên khỏi mặt đất trước mắt tôi khi đi ra ; các bánh xe cũng chuyển theo cùng một lúc. Các Kê-ru-bim dừng lại ở lối vào cửa đông Nhà ĐỨC CHÚA, và vinh quang của Thiên Chúa Ít-ra-en ngự bên trên các vị ấy. Đó là sinh vật tôi đã thấy ở bên dưới Thiên Chúa Ít-ra-en, tại sông Cơ-va, và tôi nhận ra đó là các Kê-ru-bim. Mỗi Kê-ru-bim có bốn mặt và bốn cánh : có cái gì giống như bàn tay con người ở dưới cánh các vị ấy. Còn bộ mặt của các vị ấy thì đó là những bộ mặt tôi đã thấy bên sông Cơ-va. Mỗi Kê-ru-bim cứ thẳng trước mặt mình mà đi. (Ez 10:18-22)
 Nhưng Tiên Tri sau đó cũng tiên báo cho thấy sự trở lại của vinh quang Thiên Chúa từ cửa đông của đền thờ:
Người ấy đưa tôi đi tới cổng, cổng quay về phía đông, và này, vinh quang của Thiên Chúa Ít-ra-en từ phía đông tiến vào. Bấy giờ có tiếng như tiếng nước lũ và đất rạng ngời vinh quang ĐỨC CHÚA. Thị kiến này giống như thị kiến tôi đã thấy khi Người đến để huỷ diệt thành, đồng thời cũng giống như thị kiến tôi đã thấy bên sông Cơ-va. Bấy giờ, tôi sấp mặt xuống đất. Vinh quang ĐỨC CHÚA tiến vào Đền Thờ qua cổng quay về phía đông. Thần khí đưa tôi lên và dẫn tôi vào sân trong, và này vinh quang ĐỨC CHÚA tràn ngập Đền Thờ. Tôi nghe có Đấng phán với tôi từ Đền Thờ, trong khi người kia vẫn đứng bên tôi. Đấng ấy phán với tôi: “Hỡi con người, đây là nơi Ta đặt ngai của Ta, đây là nơi Ta đặt các bàn chân của Ta. Ta sẽ ngự tại đây, giữa con cái Ít-ra-en, cho đến muôn đời. Nhà Ít-ra-en, cả chúng lẫn các vua của chúng, sẽ không còn làm ô uế danh thánh của Ta vì những sự đàng điếm và xác chết các vua của chúng nữa, khi chúng dám đặt thềm của chúng sát thềm của Ta, cánh cửa của chúng sát cánh cửa của Ta với một bức tường giữa Ta với chúng mà thôi. Chúng đã làm ô uế danh thánh của Ta bằng những điều ghê tởm của chúng, nên Ta đã tận diệt chúng trong cơn thịnh nộ của Ta. Giờ đây, chúng phải đem đi cho khuất mắt Ta những sự đàng điếm của chúng cũng như xác chết các vua của chúng, rồi Ta sẽ ngự ở giữa chúng cho đến muôn đời. (Ez 43:1-9)
 Dân Giê-ru-sa-lem nhận ra các dấu hiệu của sự trở về của Vì Vua, nên họ đã náo nhiệt chào mừng Ngài vinh quang tiến vào Đền Thánh. Nhưng thay vì tiến lên cung thánh để dâng hy lễ như mọi người mong đợi, Chúa Giê-su chỉ "rảo mắt nhìn xem mọi sự, và vì giờ đã muộn, Người đi ra Bê-ta-ni-a cùng với Nhóm Mười Hai (Mc 11:11)". Thử hỏi tại sao ngài không dâng hy lễ? Trả lời: hy lễ mà ngài sẽ dâng chính là thân mình, vào Thứ Sáu sắp tới.

Ngày Thứ Hai: Khôi Phục Trật Tự Tự Nhiên
Cây vả - Sycamore fig tree  (Hình từ Wikipedia)
Hôm nay Chúa Giê-su lần nữa trở lại Đền Thờ và trên đường đến Đền Thờ, Ngài đã làm một việc kỳ lạ là nguyền rủa cây vả khi tìm thấy nó không kết trái. Phúc Âm ghi rõ lý do: "vì không phải là mùa vả" (Mc 11:13). Vậy thì tại sao Chúa lại mắng nó với câu nói, "muôn đời sẽ chẳng còn ai ăn trái của mi nữa". Giáo Sư Brant Pitre gợi ý rằng đây có liên quan đến Sáng Thê Ký. Theo truyền thống đạo Do Thái, trái cấm, mà Chúa cấm A-dong và E-và không được ăn, đó là trái vả chứ không phải trái táo như chúng ta thường nghĩ. Ông dẫn chứng rằng, ngay sau khi ăn trái câm và nhận ra mình trần truồng, A-dong và E-và đã dùng lá vả để kết làm khố che thân (St 3:7). Cho nên, lời nguyền rủa đối với cây vả là sự tiên báo rằng Ngài sẽ khôi phục lại trật tự tự nhiên giữa Thiên Chúa với loài người, và giữa loài người với vạn vật.

Khi vào đến Đền Thờ, Ngài liền xua đuổi những người đổi bạc và người buôn bán ra khỏi Đền Thờ với câu phán: "Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của mọi dân tộc". Trật tự tự nhiên của Đền Thờ là để cầu nguyện. Liên kết việc làm này với những gì Tiên Tri I-sai-a đã viết, chúng ta có thể thấy rằng Chúa Giê-su đang thiết lập một Đền Thờ mới mà I-sai-a đã tiên đoán:
Quả vậy, ĐỨC CHÚA phán như sau : Nếu những người bị hoạn mà vẫn giữ các ngày sa-bát Ta truyền, và lựa chọn điều Ta ưa thích, cùng tuân thủ giao ước của Ta, thì trong nhà và trong tường luỹ của Ta, Ta sẽ cho chúng được lưu danh và có đài kỷ niệm; như thế còn quý hơn con trai con gái. Ta sẽ cho tên tuổi chúng trường tồn, không bao giờ bị ai xoá bỏ. Người ngoại bang nào gắn bó cùng ĐỨC CHÚA để phụng sự Người và yêu mến Thánh Danh, cùng trở nên tôi tớ của Người, hết những ai giữ ngày sa-bát mà không vi phạm, cùng những ai tuân thủ giao ước của Ta, đều được Ta dẫn lên núi thánh và cho hoan hỷ nơi nhà cầu nguyện của Ta. Trên bàn thờ của Ta, Ta sẽ ưng nhận những lễ toàn thiêu và hy lễ chúng dâng, vì nhà của Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của muôn dân. (Is 56:4-7)
Trong Đền Thờ mới này sẽ bao gồm những thành phần vốn đã từng bị cấm bước vào cung thánh của Đền Thờ thời bấy giờ, là các tư tế (linh mục) thuộc những người "ngoại bang" (không phải dân Do Thái), và những người "bị hoạn"(không vợ con).

Chia Sẻ:

Chúa Nhật V và VI Mùa Chay: Người đàn bà ngoại tình đã giết Chúa là ai?

Ảnh: Tiến vào Thành Jerusalem của hoạ sĩ Duccio di Buoninsegna
Hôm nay tôi viết bài này là ngày Chúa Nhật Lễ Lá, tưởng niệm ngày Chúa Giê-su tiến vào thành Giê-ru-sa-lem và được dân thành trải những nhành lá ô liêu lót đường nghênh đón ngài. Thứ Sáu sắp tới đây, tức là sáu ngày sau khi vinh quy trở về thành Giê-ru-sa-lem, cũng những người dân này sẽ kết án và xử tử Đức Giê-su về tội phạm thánh. Tại sao họ lại trở mặt nhanh như vậy? Trả lời nhanh: tại vì Chúa Giê-su không làm theo ý họ. Họ muốn Chúa khôi phục lại vương quốc Giu Đa khỏi ách thống trị của đế quốc La Mã bằng vũ lực, như các anh anh em Giu-đa Mác-ca-bê đã làm (và đã thất bại). Nhưng đó là những diễn biến sẽ xảy ra trong Tuần Thánh sắp tới.

Hôm nay tôi muốn thụt lùi lại thêm một tuần để suy niệm. Vào Chúa Nhật Tuần Thứ Năm Mùa Chay vừa qua, trong bài Tin Mừng theo Thánh Gioan chương 8, chúng ta được nghe về người đàn bà ngoại tình bị bắt "trong lúc đang phạm tội", bị lôi vào Đền Thờ và bị sĩ nhục nơi công chúng. Những vị giáo sĩ và kinh sư thời bấy giờ đã dùng bà để gài bẫy Chúa Giê-su xem Ngài xử bà như thế nào, vì theo luật Môi-sen thì bà phải bị ném đá cho đến chết.

Vài điểm đáng thắc mắc trong sự kiện trên đây:
  1. Nếu bà bị bắt trong lúc đang phạm tội ngoại tình, thì người đàn ông đồng phạm tội với bà đâu, sao không thấy được nhắc đến trong câu chuyện?
  2. Nạn nhân trong vụ này là chồng của người đàn bà ngoại tình. Ông ta đang ở đâu mà Thánh Kinh cũng im lặng về ông?  
Sự kiện Người Đàn Bà Ngoại Tình này là một phúng dụ, ám chỉ về toàn thể loài người, về những người tín hữu như tôi. Từ lúc chịu phép Rửa Tội, Cha Chủ Lễ đã hỏi chúng ta những câu này:
  • Để sống trong tự do của con cái Thiên Chúa, anh chị em có từ bỏ tội lỗi không?
  • Để khỏi làm nô lệ tội lỗi, anh chị em có từ bỏ những quyến rũ bất chính không?
  • Anh chị em có từ bỏ ma quỉ là kẻ gây ra và cầm đầu tội lỗi không?
  • Anh chị em có tin kính Thiên Chúa là Cha toàn năng, Đấng tạo thành trời đất không?
  • Anh chị em có tin Đức Giêsu Kitô Con Một Thiên Chúa Chúa chúng ta, sinh bởi Đức Trinh nữ Maria, đã chịu khổ hình và mai táng, đã sống lại từ cõi chết, và đang ngự bên hữu Chúa Cha không?
  • Anh chị em có tin kính Đức Chúa Thánh Thần, tin Hội Thánh Công Giáo, tin các thánh thông công, tin phép tha tội, tin xác sống lại, và sự sống vĩnh cửu không?
Với từng câu hỏi trên, chúng ta trả lời khẳng định niềm tin vào Đấng tạo nên vũ trụ, muôn vật hữu hình và vô hình, đấng duy nhất xứng đáng được chúng ta tôn thờ. Vì đây đích thật mới là Nguyên Thuỷ Thiên Tôn, Linh Bảo Thiên Tôn, và Thái Thượng Lão Quân mà Đạo Giáo người Trung Hoa Cổ Đại họ tôn thờ. Vì sự tôn thờ phát xuất từ cõi lòng sẽ đưa chúng ta gần gũi với Thiên Chúa, một sự gần gũi mật thiết ví như người vợ gần gũi với chồng mình. Ngay từ lúc tạo nên loài người, Chúa đã thiết lập bí tích hôn nhân giữa người nam và người nữ như là một dấu chỉ về sự kết hợp giữa Thiên Chúa và loài người, để nâng loài người lên cung bậc thần thánh!

Thế nhưng ngay từ đầu, loài người đã phản nghịch. Thay vì tôn thờ một Thiên Chúa duy nhất, loài người đã ngoại tình, đã nghe lời dụ dỗ của quỷ sứ và tôn thờ dục vọng của chính mình. Hình ảnh của người đàn bà ngoại tình trong bài đọc Tin Mừng kia chính là hình ảnh của chúng ta. Trong câu chuyện huyền bí ấy có hai nhân vật thầm lặng: người đàn ông thông dâm là quỹ dữ đã cám dỗ chúng ta, và người chồng bị phản bội chính là Thiên Chúa. Chúng ta, thay vì vâng phục các điều răn của Chúa qua sự dạy dỗ của Hội Thánh, đã tự làm theo ý mình, tự đưa mình vào ngôi vị khôn ngoan hơn cả Thiên Chúa. Tử vi, bói toán, phong thuỷ, cầu hồn, ngừa thai, phá thai, ly dị, tà dâm, v.v..., là những việc làm phản nghịch mà qua những hành động ấy chúng ta đã "ngoại tình" đối với Thiên Chúa.

Về phần Thiên Chúa, Ngài đã đối xử như thế nào đối với những kẻ ngọai tình là chúng ta, và chúng ta đã tiếp tục phản bội Ngài như thế nào? Trong Tuần Thánh này, tôi sẽ sẽ tiếp tục suy ngẫm thêm về câu hỏi này.

Chia Sẻ:

Memento Mori Chúa Nhật III Mùa Chay: Nước trường sinh

Lễ 5giờ chiều tại GXCTTĐVN Toronto.
Chiều nay đi xưng tội, cảm giác như Thần Khí Chúa tuôn chảy vào người tôi và lan tỏa khắp cơ thể sau khi tôi bước ra khỏi Tòa Cáo Giải và linh hồn tôi được phục sinh.

Bài đọc Tin Mừng hôm nay (Gio-an 4:5-42) kể về cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giê-su và người đàn bà Samari đã có năm đời chồng. Chúa xin bà cho ngài ít nước uống, nhưng lại cho bà biết rằng:
Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị : ‘Cho tôi chút nước uống’, thì hẳn chị đã xin, và người ấy đã ban cho chị nước hằng sống.
Trong phần bình luận Memento Mori hôm nay, Sơ Therese Aletheia viết:
Tất cả chúng ta đã cố gắng hết lần này đến lần khác để tìm thấy sự thỏa mãn hoặc an toàn ở những con người khác. Chúng ta tự nhiên tìm đến những thứ bên ngoài để thỏa mãn cơn khát tình yêu. Có lẽ chúng ta mong đợi nhiều hơn từ một người bạn hoặc người thân khác vượt ngoài khả năng người đó có thể làm. Hoặc chúng ta gặp ai đó hoặc điều gì đã xảy ra và chúng ta tin rằng các vấn đề của chúng ta đã được giải quyết, trái tim trống rỗng của chúng ta đã mãi mãi được lấp đầy. Nhưng sự thất vọng luôn chờ đợi. Giáo lý Giáo Hội Công giáo cho chúng ta biết, sự khao khát về Thiên Chúa được viết trong trái tim con người (số 27). Tuy nhiên, giống như người phụ nữ Samari, chúng ta cố gắng lấp đầy trái tim mình bằng một cái gì đó hoặc một người nào đó cuối cùng sẽ làm chúng ta thất vọng. Ngay cả tình yêu chung thủy của người phối ngẫu, thành viên gia đình và bạn bè cũng không thể hoàn thành chúng ta. Không ai ngoài Thiên Chúa có thể làm dịu cơn khát của chúng ta bằng nước hằng sống, bởi vì không ai ngoài Thiên Chúa tạo ra chúng ta. Không ai ngoài Thiên Chúa duy trì chúng ta trong cuộc sống. Không ai ngoài Thiên Chúa có thể đồng hành cùng chúng ta trong cái chết và đưa chúng ta đến cuộc sống vĩnh cửu. Từ trong thâm tâm, chúng ta biết điều này, nhưng chúng ta vẫn tìm kiếm và bám lấy người khác và đồ vật khác. Nhưng chúng ta vẫn hoài nghi. Khi Chúa Giêsu ban nước cho người phụ nữ Samari, nước hằng sống, bà cũng tỏ ra nghi ngờ. Vốn có kinh nghiệm trong nghệ thuật tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống, bà biết rằng việc tìm kiếm tình yêu của mình luôn dẫn đến sự thất vọng. Nhưng khi bà nói chuyện với Đức Giê-su, bà nhận ra rằng ngài là Người mà cô luôn tìm kiếm. Đức Giê-su Ki-tô là người duy nhất có thể lấp đầy trái tim bà. Nước hằng sống mà Chúa Giê-su ban cho người phụ nữ là chính mình. Nhờ Bí tích Rửa tội, Chúa Giêsu trở thành cho chúng ta một mùa xuân tràn đầy sức sống vào cuộc sống vĩnh cửu, (Ga 1, 14). Khi chúng ta cảm thấy khát, không được yêu thương hoặc sợ chết, chúng ta có thể nhớ rằng chúng ta đang tràn đầy nước sống của Chúa Ki-tô. Và dòng nước hằng sống này sẽ đưa chúng ta qua cái chết, một lối đi đơn thuần vào cuộc sống vĩnh cửu.
Lạy Chúa Giê-su Kitô, Chúa biết con yếu đuối, nên đã để lại Bí Tích Hoà Giải làm ân sủng ban lại sự sống mỗi khi con rơi vào vực sâu của tội lỗi. Cậy vào ân sủng ấy, xin cho con biết vĩnh viễn từ bỏ những tánh hư, tật xấu vốn dẫn đưa con đến chốn thất vọng. Trong cơn khát tình yêu, xin cho con đừng rời ánh mắt khỏi Ngài, Đấng có nước ngọt hằng sống, đừng nhìn cơn bão táp và đừng nếm nước biển mặn của đời, nhưng hãy cậy trông vào Lời Hằng Sống mỗi ngày để vượt qua những cơn bão ấy. Nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần, Amen.
Chia Sẻ:

Memento Mori Thứ Sáu sau Lễ Tro: Hoang tưởng về sự tự tin


Đôi lúc tôi nghĩ mình hay thiếu tự tin. Tự tin là một điều tốt. Nó thường là động cơ giúp cho chúng ta làm được những gì người khác không thể làm. Nhưng, tự tin biến thành hoang tưởng khi nó khiến cho ta liều lĩnh làm những gì mà không có sự chuẩn bị trước. Trong những lần đối thoại với những người chống tôn giáo, họ đã cho tôi thấy sự suy đồi của một lòng tự tin quá mức. Họ tự cho mình đủ khôn ngoan để không cần đến một Đấng Tạo Hoá, và thậm chí còn khinh mạt những ai tin vào Thượng Đế là ngu xuẩn.

Trong chương suy niệm hôm nay, Sơ Therese Aletheia Noble viết:
Chúng ta quên rằng mình cần Thiên Chúa, và sống như thể chúng ta không cần một Đấng Cứu Chuộc. Chúng ta có thể bắt đầu một lời cầu nguyện để được Chúa giúp đỡ và sau đó nghĩ rằng, tôi có thể tự mình làm điều này. Sự thật đáng buồn là đôi khi chúng ta tin vào tự lực của mình nhiều hơn là sự tốt lành của Thiên Chúa. Nhưng tự lực là một huyền thoại. Chúng ta không thể nào tự lực. Chúng ta là tội nhân cần Đấng Cứu Rỗi. Không ai khác ngoài Thiên Chúa mới có thể cung cấp cho chúng ta ân sủng để chinh phục tội lỗi của chúng ta và lên đường đến thiên đàng. 
 Câu văn mà tôi tô màu ở trên là tình trạng tôi đang vấp phải gần đây: tin tưởng vào giải pháp của chính mình hơn là tín thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Đã nhiều lần tôi cầu nguyện, "Lạy Chúa, con biết con sai khi cậy trông vào chính mình quá độ. Con xin phục tùng theo Thánh Ý Chúa và xin hết lòng làm theo lời Ngài dạy." Nhưng sau cùng, trong khoảnh khắc nghi ngờ, tôi lại quên lời hứa.

Trong phần viết nhật ký cho hôm nay, Sơ khuyên tôi suy ngẫm về Lời Chúa được chép trong Sách Mát-thi-ơ:
Đối với loài người thì điều đó không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa, thì mọi sự đều có thể được. (Mt 19,26)
Lạy Chúa, Người là Đấng hằng sống, Đấng trọn tốt, trọn lành vô cùng. Người biết con cầu xin điều gì, ngay cả trước khi con nghĩ đến nó. Xin dạy cho con biết chuẩn bị cho điều con mong muốn, cho con đức khôn ngoan trong khi hành động, và cho con biết hoàn toàn cậy trông vào quyền năng của Người để đạt đến kết quả theo Thánh Ý Người. Amen.
Chia Sẻ:

Memento mori - hãy nhớ mình sẽ chết

Hôm nay là Thứ Tư Lễ Tro, Hội Thánh bắt đầu hành trình Mùa Chay Thánh. Trong Bài Đọc 1 trích Sách Tiên Tri Giô-en, Chúa phán:
“Nhưng ngay cả lúc này,

các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta,

hãy ăn chay, khóc lóc, và thống thiết than van.”
Tôi vừa bắt đầu đọc quyển ebook của Sơ Therese Aletheia Noble (nữ tu dòng Nữ Tử Thánh Phaolô), mang tựa đề Remember Your Death (Memento Mori) A Lenten Devotional. Trong chương suy niệm về ngày hôm nay, Sơ viết:
Thứ Tư Lễ Tro là một lời nhắc nhở rằng nhân loại cần một Đấng Cứu Rỗi bởi vì chúng ta chỉ là bụi và tro. Chúng ta cần một Đấng Cứu Rỗi bởi vì Đấng duy nhất có thể cứu chúng ta khỏi cái chết chính là Đấng đã cho chúng ta sự sống ngay từ đầu. Chúa Giêsu Kitô, người chính  là Sự Sống, là nguồn hy vọng cuối cùng và duy nhất của chúng ta. Khi chúng ta nhớ đến cái chết, chúng ta suy niệm về mầu nhiệm thiết yếu của đức tin của chúng ta: cái chết đã được biến đổi bởi Chúa Giêsu Kitô. Không chỉ là một cái chết mơ hồ và chung chung, mà là cái chết của chính chúng ta. Cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu có thể có tác động trực tiếp đến sự sống chết của mỗi người, nếu chúng ta biết chấp nhận ân sủng cứu độ của Ngài. Do đó, memento mori không phải là một ý tưởng trừu tượng, nó mang tính cá nhân và cụ thể. Ghi nhớ cái chết cho người Kitô hữu hoàn toàn không thể tách rời khỏi việc nhớ lại những gì Chúa Giêsu đã làm cho mỗi người chúng ta.
Chúa Giêsu bảo, "nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình ; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác (Ga 12:24)". Tôi là hạt lúa. Lòng đất là thế gian. Cái chết Chúa đang nói là chết đối với tội lỗi. Vậy, tôi nên tự đặt câu hỏi cho mình cho mỗi sáng thức dậy: rằng tôi mong muốn làm điều gì trong ngày này? Và tối trước khi ngủ: rằng hôm nay, trong lời nói và việc làm, tôi đã đủ chết đối với tội lỗi chưa?

Trả lời câu đầu tiên, vì nó bất di bất dịch: hôm nay tôi muốn gặp Chúa, vì chỉ có gặp Chúa rồi thì tôi mới có đủ can đảm để thực hiện câu hỏi sau.
Chia Sẻ:

Cuộc đời là một chuyến tàu lượn siêu tốc

Trong cuộc đời, có những lúc, nhìn về con đường phải đi trước mắt mà ngao ngán. Tương tự như mình đang ngồi trên chiếc tàu lượn cao tốc trước khi nó lao vút xuống vực thẳm. Cảm giác bất lực, yếu đuối, không biết ta nên làm gì để thay đổi được tình huống, thay đổi được lòng người. Cố chống lại cảm giác thì sẽ phản tác dụng. Chỉ có cách phó thác, nguyện cầu, và hòa theo nhịp thăng trầm của con tàu. Và rồi thì, như mọi lần, con tàu cũng sẽ đến điểm dừng. Nhưng, cũng như mọi lần, tâm hồn mình lại già thêm đôi chút. 
Chia Sẻ:

Suy ngẫm về phép lạ biến nước thành rượu ở Cana

Tối Thứ Bảy gia đình tôi đến nhà anh D dùng bữa tối thân mật. Anh D là một người anh em đồng đạo tôi mới quen, nhưng là bạn lâu năm của Tứ Đệ tôi. Bên nồi lẩu tuyệt ngon, năm anh em chúng tôi cùng chia sẻ với nhau đến cạn chai rượu whiskey của Canada hiệu Collingwood, đến hơn 1 giờ sáng mới tàn cuộc vui.  Hương vị whiskey vừa thơm vừa ngọt này đã hành tôi ngủ mê đến gần chiều hôm sau.

Trong cơn ngủ mê, tôi mơ gặp Cha Tập. Tôi cùng Cha dùng bữa cơm gia đình, và sau đó cùng cha đi tham quan các gian hàng. Cha muốn tìm mua một món đồ gì đó nhưng tìm không được, và cuối cùng tôi đã lạc mất Cha trên đường về.

Chúa Nhật, tôi tìm lại được Cha trong Thánh Lễ 4 giờ chiều tại nhà thờ Thánh Cecilia. Bài Tin Mừng hôm nay cũng liên quan đến rượu, qua phép lạ đầu tiên, Chúa Giêsu đã biến nước thành rượu trong tiệc cưới tại thành Ca-na, xứ Ga-li-lê (lưu ý thấy Ca-na còn thiếu 2 mẫu tự nữa sẽ biến thành Ca-na-đa). Sau khi thấy tiệc cưới đã hết rượu, Đức Mẹ nói với Chúa Giêsu: "con ơi, họ đã hết rượu rồi." Chúa trả lời: "hỡi bà, chuyện ấy có can hệ gì đến bà và tôi?" Điều thứ nhất đáng suy ngẫm ở đây: tại sao Đức Giêsu không gọi "hỡi Mẹ (mother)", mà lại là "hỡi bà (woman)"? Vì Chúa muốn nhắc lại sự kiện lịch sử đầu tiên trong Sách Sáng Thế Ký, khi Chúa phán với con rắn: "Ta sẽ tạo nên thù hằn giữa ngươi và người đàn bà, giữa con cái ngươi và con cái bà ấy; chúng sẽ đập đầu ngươi trong khi ngươi cắn gót chân chúng." Đức Maria chính là người đàn bà mà con trai bà sẽ đập nát đầu Sa-tăng, con khủng long muôn đời xưa đã khiến cho nhân loại cạn hết rượu giao bôi giữa Thiên Chúa và loài người.

Điều thứ hai đáng suy ngẫm là phản ứng của Đức Mẹ, và phản ứng của các gia nhân. Mặc dù Chúa Giêsu đã đáp lời thỉnh cầu bằng câu nói, "Việc đó can hệ gì đến bà và tôi; giờ của tôi vẫn chưa đến", Đức Mẹ đã vẫn căn dặn các gia nhân, "Người bảo làm gì thì cứ làm theo." Sau đó, Chúa Giêsu bảo các gia nhân hãy lấy nước giếng và đổ đầy vào các chum, và họ đã làm theo, đổ nước vào đầy tới miệng chum. Vài chi tiết để suy ngẫm ở đây:
  1. Đức Mẹ hoàn toàn tin cậy vào Chúa Giêsu,
  2. Đức Mẹ không chỉ là người tham dự trong tiệc cưới, mà con là người làm việc trong tiệc cưới. Lời cầu bầu (intercessory prayer) của Mẹ giúp cho tôi tránh khỏi tình trạng bị cạn rượu trong đời sống hôn nhân của chính tôi.
  3.  Là "gia nhân" trong tiệc cưới huyền bí của Con Chiên Thiên Chúa, tôi cần phải không ngừng tận hết khả năng, gánh nước giếng và đổ đầy vào chum đựng. Cho dù mọi cố gắng của tôi dường như không đem lại kết quả tôi mong đợi, chính Chúa là Đấng sẽ biến nước thành rượu ngon trong đời sống của tôi.
Lạy Cha, xin Ngài giúp con biết kiên trì và hoán cải bản thân con theo đúng Lời dạy của Cha, ngay trong khi mọi cố gắng của con khiến cho người đời cảm thấy nhàm chán. Nhờ công nghiệp Đức Giêsu Kitô con yêu dấu của Cha, cùng hiệp nhất với Chúa Thánh Thần, Một Thiên Chúa Vũ Trụ trong Ba Ngôi muôn thuở muôn đời, Amen.
Chia Sẻ:

Ý Kiến Bạn Đọc

Facebook

Nhãn

anh ngữ (1) ảo ba trì (10) apologia pro vita sua (3) ăn uống (2) bà nội (5) bạo lực (1) bảo quản xe ôtô (4) benedictxvi (3) bí tích thánh thể (8) canada (37) catholic (2) cầu nguyện (11) cbc (2) chết chóc (3) chính trị (6) chúa ba ngôi (24) chứng nhân giê-hô-va (3) CNE (2) covid-19 (10) cộng đồng (3) công giáo (134) công nghệ (6) cộng sản (2) công việc (24) cuba (1) cung tự phục hổ quyền (2) cuối tuần (6) dạy con (1) dị ứng (4) dịch thuật (1) du lịch (9) du lịch bằng xe (2) du ngoạn (9) dụ ngôn (1) đại hội giới trẻ (3) đạo (1) đêm tối tăm (5) đi công tác (3) độc cô cầu đạo (36) đời sống (5) english (4) francis-xavier nguyễn văn thuận (1) gãy xương (5) gia đình (79) giáng sinh (8) giáo lý (9) giao thông (5) giao tiếp (1) giới tính (4) gò công (6) grand bend (1) guelph (7) gương thánh nhân (10) hài hước (2) hành hương (1) hòa giải (1) hoa kỳ (5) hỏa ngục (3) hội hè (2) hội thánh (3) hồi tưởng (8) hôn nhân (7) humanae vitae (1) huntsville (2) hứa hẹn đầu năm (1) jpii (8) kế hoạch kungfu panda (1) khoa học (3) khổ đau (2) khủng bố (1) kinh doanh (5) kinh nguyện (3) kinh thánh (42) lectio divina (1) lễ tạ ơn (4) lễ tro (1) linh thao (1) linh tinh (4) lòng thương xót chúa (5) luật pháp (2) lumen fidei (1) máy vi tính (1) mầu nhiệm (1) memento mori (3) mê hồn trận (18) montreal (1) mùa chay (59) mùa đông (1) mùa hè (5) mùa vọng (3) mùa xuân (4) ngắm đàng ánh sáng (1) nghỉ xuân (1) ngôn ngữ (3) người việt khắp nơi (2) nhà cửa (4) nhật bản (3) nhật ký nghĩa vụ bồi thẩm đoàn (3) ontario (19) ottawa (2) phá thai (2) phật giáo (7) phép xã giao (1) phim (4) phục sinh (13) quê hương (2) rắn (2) rượu bia (3) Sauble Beach (1) sống đạo (3) st. thomas (canada) (13) summa theologica (1) suy ngẫm (57) sự sống (1) sức khoẻ (2) sức khỏe (10) tam nhật thánh (2) tâm lý (5) Tết (8) tháng tư đen (2) thành bại (1) thánh lễ (1) thánh mẫu (3) thần học thân xác (3) thể dục (1) thế giới (1) thị trường (1) thiên chúa giáo (27) thiên đàng (2) thiên nhiên (6) thiên tai (1) thiên văn (1) thời sự (41) thời tiết (20) thư giản (1) tin mừng (2) tình dục (3) tĩnh tâm (34) tình yêu (6) toronto (49) tổ tiên (6) tội (7) tôi là (24) tội tổ tông (7) tôn giáo (8) trầm tư (28) trung quốc (2) ttc (3) tuần hoàn (1) tuần thánh (5) vật lý (1) verbum domini (1) việt nam (14) viết trên iPod (21) vlog (4) võ học (2) vô thần (3) waterloo (3) wikileaks (2) xã hội (2) xe đạp (15) xưng tội (41) y học (2)

Bài Mới Nhất

Được Xem Nhiều Nhất

Người theo dõi

Lưu trữ Blog