Tình Yêu nhập thể

Hôm nay là ngày Lễ Kính Gia Đình Thánh, là gia đình của Chúa Hài Nhi Giêsu - Thánh Mẫu Maria - Thánh Cả Giuse. Hội Thánh dạy gia đình là một dấu chỉ của Chúa Ba Ngôi, Tình Yêu tuyệt đỉnh. Ngôi Hai tuyển chọn  mặc lấy xác phàm và sống trong một gia đình phàm thế, với mọi sự hạn chế của một gia đình sa ngã kể từ thời tổ tiên của loài người, cốt là để tái thánh hóa gia đình, nâng gia đình lên hàng bí tích (sacrament). Một gia đình, có cha, có mẹ, và có con cái, là một gia đình được dựng lên giống theo hình ảnh của Đức Chúa Trời.

Trong bài đọc hai (Col 3:12-21), thông qua huấn dụ cho cộng đồng dân Chúa tại Cô-lô-sê, Thánh Phaolô dạy:
...Người làm vợ hãy phục tùng chồng, như thế mới xứng đáng là người thuộc về Chúa. 19 Người làm chồng hãy yêu thương chứ đừng cay nghiệt với vợ. 20 Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa. 21 Những bậc làm cha mẹ đừng làm cho con cái bực tức, kẻo chúng ngã lòng.
Đức Hồng Y Tagle của Manila giảng: "phục tùng" ở đây không có nghĩa như người đời hiện nay thường nghĩ, nhưng hàm ý "yêu thương không ích kỷ", tương tự như lời dạy dành cho người chồng. Tôi đặc biệt chú ý lời Đức Cha nhắc nhở: ngay cả khi người kia sai, hãy giữ vững sự kiên nhẫn, thể hiện lòng yêu mến và tôn trọng nhân phẩm đối với người làm sai. Lời dạy này làm tôi nhớ đến mầu nhiệm nhập thể của Ngôi Lời.  Ngài là Thiên Chúa, nhưng lại hạ mình làm một hài nhi, phục tùng với cha mẹ phàm tục mà chắc chắn, theo tiêu chuẩn của Ngài, hãy còn nhiều sự thiếu sót...

Thứ tình yêu tôi đang thấy được thông dụng ở xã hội ngày nay là một thứ tình yêu "đoạt lấy", một thứ tình yêu ích kỷ, chỉ muốn thỏa mãn dục vọng của cá nhân mình, đôi khi bất chấp gây phương hại tới người khác. Bởi thế cho nên Suối Nguồn của Tình Yêu đã mặc lấy xác phàm để dạy cho tôi thấy rằng dù chỉ với xác phàm mục nát này, tôi vẫn có đủ năng lực để thể hiện một tình yêu hiến dâng, một tình yêu không vì mình, nhưng vì người mình yêu.  Vì bởi chính tình yêu "hiến dâng" ấy, thể hiện trong khuôn khổ của một gia đình -- có cha, có mẹ, và có con cái -- sẽ là thứ vũ khí chiến thắng mọi sự ác trên cõi đời này.

Và đó là ý nghĩa của ngày lễ Chúa Giáng Sinh.
Chia Sẻ:

Mơ thấy thánh nhân phục sinh

Hôm nay lại chiêm bao thấy JPII.

Sáng nay dậy sớm làm việc, tình cờ thấy trang Facebook Tin Vui  có chia sẻ chương trình phát hình Thánh Lễ trực tiếp từ Nhà Thờ Dòng Chúa Cứu Thế tại Sài Gòn, bèn vào xem. Xem xong thấy buồn ngủ nên lên giường nằm một lát. Trong giấc ngủ ngắn, tôi chiêm bao thấy mình đang xem Thánh Lễ được cử hành nơi mộ của Thánh Gioan Phaolô II. Thấy ngài mở mắt ra từ giường nằm của ngài, và ngồi dậy. Sau đó, tôi thấy thánh nhân đến viếng thăm và ôm tôi ngay trên ... giường nằm của tôi. Từ áo khoác của ngài, tôi ngữi được mùi mốc meo của mấy năm trời mà tử thần đã hành hạ trên nhục thể của thánh nhân.

Giờ ngồi ngẫm lại, tôi nghĩ mùi hôi mốc thực sự là mùi phát ra từ người tôi chứ không phải là từ thánh nhân. Mùa Vọng là mùa làm sạch bản thân để xứng đáng đón tiếp Chúa Giáng Sinh. Thánh nhân muốn tiếp tục nhắc nhở tôi nên "tắm rửa" linh hồn mình cho sạch sẻ.
Chia Sẻ:

Khúc giao mùa

Mấy ngày qua Mẹ Thiên Nhiên hát khúc giao mùa hơi bị độc đáo.
Ngày 16 tháng 11, Ông Già Nô-en vào làng, thành phố nhận được một trận tuyết đầu mùa.

Tiếp theo đó, ngày 19 lại thêm một trận tuyết "nhẹ"...
Hình chụp ngày 19 tháng 11 tại thủ phủ Toronto, khoảng một tháng trước Lập Đông
Tối ngày 19, trên đường về để ký hợp đồng

Trên đường lái xe về nhà, nghe tin bên Buffalo bị bão tuyết cao hai trượng, do hiệu ứng biển hồ (lake effect snow), có người bị kẹt trên xa lộ hơn 23 tiếng đồng hồ.

Chiều Thứ Hai  24/11, gió mạnh 100 km/h đánh phủ đầu thành phố, khiến gần 100,000 căn nhà bị mất điện.

Khi trời trở lạnh, nghĩ đến những người vô gia cư. Hôm qua trên đường xe, bị một cậu trai trẻ chận đầu xe để xin tiền. Tôi lắc đầu, nghĩ ngợi.

Văng vẳng bên tai,  tôi nghe Lời của Vì Vua của Vũ Trụ, vọng lại từ hôm Chúa Nhật vừa rồi:
Vì xưa Ta đói, con đã cho ăn; Ta khát, con đã cho uống; Ta là khách lạ, con đã tiếp rước; Ta trần truồng, con đã cho mặc; Ta đau yếu, con đã thăm viếng; Ta ngồi tù, con đã đến hỏi han. (Mt 25:35-36).
Chúa Nhật tới đây sẽ bắt đầu Mùa (Hy) Vọng.
Ngày 10 tháng tới, là Ngày Sám Hối và Hòa Giải của Tổng Giáo Phận Toronto.
Ngày 14-16 sẽ có Cha Nguyễn Tầm Thường đến Giáo Xứ để giảng phòng tĩnh tâm.



Chia Sẻ:

Suy ngẫm về giàu nghèo

Trong chốn nhân gian, ta thường nghe thốt lên câu này: Cuộc đời sao quá bất công? Tại sao người nghèo thì cứ nghèo mãi, còn người giàu thì càng giàu thêm?

Hôm nay nghe Thầy tôi dạy về Dụ Ngôn Yến Bạc: "phàm ai đã có, thì được cho thêm và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái hắn đang có, cũng sẽ bị lấy đi."

Câu chuyện dụ ngôn kể về ba người đày tớ, được chủ giao cho các yến bạc: người thì năm yến, người hai yến, và người một yến. (Một yến bạc tương đương với số tiền lương bổng của hai mươi năm làm việc.) Hai người trước đem tiền của chủ mình đi đầu tư và đã sinh lời gấp đôi, và được trọng thưởng. Người thứ ba vì sợ lổ lả nên đã chôn vùi yến bạc của chủ mình và đã bị khiển phạt.

Có lẽ dụ ngôn trên đây đã có ảnh hưởng lớn vào nền kinh tế tư bản. Lúc hưng thịnh, người dân tiêu xài thoải mái, thì kinh tế lại càng hưng thịnh. Nhưng nếu dân chúng nghĩ rằng kinh tế sẽ có chiều hướng khó khăn, họ bớt tiêu xài, thì chính sự giảm thiểu tiêu thụ ấy sẽ bóp nghẹt sự lưu thông của nền kinh tế thị trường, dẫn đến khủng hoảng.

Đầu tư là một việc làm mạo hiểm. Nhưng cũng có thể coi đầu tư là một sự chia sẻ, một sự cho đi của cải của mình. Chúa tôi dạy: nếu muốn có thêm thì hãy cho đi. Đấy, lời dạy của Chúa áp dụng rất thực tế trong nền kinh tế thị trường.

Vậy có thể nói thế này hay không: sự khác biệt giữa người giàu và người nghèo là ở sự mạo hiểm có tính toán? Có thể. Nhưng tôi nghĩ, quan trọng hơn là ở điểm này: sự khác biệt giữa người giàu và người nghèo là ở chỗ biết chia sẻ. Một người tuy giàu có, nhưng lại sống keo kiệt, ôm của không muốn giúp đở ai, thì người đó thật sự đang rất nghèo. Ngược lại một người đang thiếu thốn, nhưng lại chia sẻ của mọn của mình để giúp đỡ những ai thiếu thốn hơn mình, thì hắn thật sự rất giàu. Hắn giàu vì hắn đang sở hữu một vật vô giá nhất trong và ngoài vũ trụ này. Đó là được làm bạn hữu với Đức Chúa Trời, vì hắn thể hiện tình yêu hiến dâng của Chúa Ba Ngôi: Ngôi Cha thương yêu trao hết quyền bính cho Ngôi Con; Ngôi Con yêu mến, vâng lời, đã trao trọn mạng sống mình lại trong tay Cha; và tình yêu linh thiêng liên tục tỏa ra giữa Cha và Con giúp nảy sinh và duy trì vạn vật từ trước cho đến muôn đời ấy chính là Thánh Thần.

Cầu cho chúng ta biết đầu tư một cách khôn ngoan để làm giàu cho Nước Trời.

Chia Sẻ:

Tỉnh thức

Suốt tuần vừa rồi, tôi nghe Thầy tôi lặp đi lặp lại nhiều câu, trong đó có câu này:
Hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao việc nhỏ mà anh đã trung thành, thì ta sẽ giao nhiều việc lớn cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!
Tôi đã nghe đi nghe lại nhiều lần, nhưng đã chẳng thấm nhuần tí nào. Cho đến khi ...

Sáng Thứ Sáu, khi đạp xe xuống dốc, xóc một cái hố, khoen kẽm giữ bình nước sút ra văng vào bụi cỏ biến đâu mất.  Bình nước thì tìm lại được. Còn vòng khoen kẽm, mất khoảng 10 phút tìm kiếm không được, tôi đành bỏ cuộc, tiếp tục hành trình. Khoảng 15 phút sau, cán gẫy cánh một trong hai con chim hải âu (nhìn hơi giống bồ câu trắng) đang ung dung đi trên đường chạy xe đạp.

Trường hợp thứ nhất, nếu tôi để ý kiểm tra kỹ vòng kẽm khi ráp xe đạp lại trước khi khởi hành, thì đã không xảy ra chuyện; tôi biết vòng bị lỏng, nhưng tôi đã bỏ qua. Trường hợp thứ hai, nếu tôi giảm tốc độ hoặc ngừng lại khi tới gần đám chim, thì đã không xảy ra chuyện.

Sau khi ngừng lại, bỏ 5-10 phút đứng bất lực quan sát con chim tội nghiệp lê lếch đi về phía sân cỏ bên kia rào kẽm, tôi buộc phải chấp nhận rằng Thầy tôi để cho hai sự cố ấy xảy đến với tôi, để cho tôi thấm thía Lời dạy của Ngài. Với tâm thần giao động, tôi uể oải leo lên ngựa sắt, tiếp tục hành trình đến sở làm, lòng tự nhủ lòng: từ rày phải tỉnh thức với từng việc làm nhỏ nhặt nhất.

Hình minh họa lấy trên mạng - chú hải âu mõ nhẫn (ring billed gull), một trong những loài chim thường lai vãng nơi các công viên tại Toronto.
Chia Sẻ:

Hành trang đi xe đạp

Tuần này thử đạp xe không mang kiếng mát (vì đổ mồ hôi làm kiếng ướt, gây khó chịu). Kết quả là: sáng chiều bị hắt-xì li bì, khóe mắt ngứa như điên. Hóa ra là trong mùa dị ứng.

Lật lại mấy trang nhật ký cũ, thấy năm 2012 mình cũng bị ngay vào thời điểm này. Thoáng ngạc nhiên tại sao năm ngoái 2013 mình không viết về dị ứng, nhưng chợt nhớ lúc đó mình đang ... thất nghiệp.

Năm sau nếu có đạp xe, cần đầu tư vào một cặp kiếng đi xe đạp cho ra hồn, tương tự như vầy:

Sẵn đây, liệt kê luôn các dụng cụ đã được "đầu tư" cho năm nay:
  1. Đồng hồ đa chức năng (báo giờ, đo tốc độ, đo ca-lo-ri v.v..), và đèn đi đêm:
  2. Nước tắm khô (vì phòng tắm ở sở làm chưa hoạt động được):
Cần được "đầu tư": Bộ đề phía trước (front derailleur) có vấn đề, không sang được tới đĩa lớn nhất, cần nghiên cứu cách tu sửa (hoặc đem bỏ cho thợ sửa):
Chia Sẻ:

Đường Thập Giá

Ghi lại chút cảm nghiệm sau hơn tháng rưỡi đạp xe trên đoạn đường dài 20km. Đoạn đường này có vài đoạn dốc cao. Ở những khúc ấy, tốc độ đạp khoảng 15km/h. Mấy ngày đầu chưa quen nên tôi đạp ná thở. Nhưng hễ mỗi lần cố gắng đến tưởng chừng không thể ráng được nữa thì đã lên đến đỉnh dốc. Kinh nghiệm này có thể áp dụng được cho cuộc sống, để nhủ lòng tôi đừng vội nản chí khi gặp gian nan.

Đi xe đạp tạo dịp cho tôi lắng nghe Lời Chúa. Có khi mãi chăm chú nghe nên không để ý đến cái nặng của những đoạn leo dốc. Hôm nọ trên tuyến đường, Đại Ca đã trách tôi rằng: "Ngươi đã quên Đức Chúa, Đấng đã cưu mang ngươi" (đnl 22:18, mt 19:26-22).  Rồi Ngài bảo, "Hãy [vác Thập Giá mà] theo ta."  Bác George MacDonald lại còn phụ họa thêm: không còn đường nào khác ngoài con đường Thập Giá [Hope of the Gospel (Niềm Hy Vọng của Phúc Âm)]. Khi nghe đến đoạn này, tôi buột miệng thốt ra một tiếng "ồ". Ngài hiểu thấu lòng tôi, biết tôi đang trốn tránh thập giá. Trong lòng tôi thoáng lên chút sợ hãi. Cũng như Chúa Kitô, trong bức tranh vẽ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, đã từng kinh hãi đến đánh rơi chiếc hài khi nhìn cây Thập Giá. Từ Nam Hàn, Đức Thánh Cha Phan Sinh ủi an: "Hãy tin vào sức mạnh của Thập Giá." Đại Ca, tuy trách mắng, nhưng rồi cũng an ủi: "ách của ta êm ái, và gánh của ta nhẹ nhàng." Đấng Tạo Hóa đã nói vậy. Tôi nên tin vậy. Cũng như tổ phụ Áp-ra-ham đã tin.
Chia Sẻ:

Khởi hành tháng đạp xe đạp 2014 - mission impossible

Năm nay tôi khởi đầu tháng đạp xe đi làm trễ đúng một tháng. Một tây tháng bảy, lợi dụng ngày mọi người nghỉ lễ ăn mừng Quốc Khánh Canada, đường vắng xe, tôi cưỡi ngựa sắt theo lộ trình dài 20km sang Mississauga để đi làm. Kết quả: hì hục gần 2 giờ đồng hồ, phải dừng chân nghỉ và giải khát bằng hai quả xoài cát, mới đến đích. Vài ngày sau, rút xuống được 1 giờ 30 phút. Sáng nay đạt kỷ lục, đến nơi trong vòng 68 phút. Anh chàng quản lý lại đặt cho tôi một mục tiêu bất khả thi: 30 phút. Để chờ xem sao. Với mục tiêu đó, tôi cần phải đạt vận tốc trung bình là 40 km/h. Ngày mai sẽ bắt đầu đo tốc độ.

Tôi thích đi xe đạp vì đây là cơ hội tập thể dục, hòa mình với thiên nhiên, lắng nghe Lời Chúa, tạo cho tâm trí một trạng thái thư thả, dễ chịu, giúp ích cho công việc vốn đã thường đòi hỏi nhiều tâm trí.

Tham khảo thêm: Why You Should Really Take Your Lunch Break Outside.


Chia Sẻ:

Hồi ký một chuyến đi thần tốc

Hai tuần nghỉ phép để làm một chuyến hành hương, thoắng một cái đã trôi qua, không thời giờ để thăm hỏi bạn học cũ, chỉ vừa đủ để làm một số việc cần thiết, và ghi nhận sự thất bại của một trong những mục tiêu chính của chuyến đi.

Sáng Chúa Nhật, ngay sau hôm về tới Sài Gòn, thức sớm nhờ đứa em họ, con trai của Ngũ Cô, đưa ra thánh đường Nguyễn Duy Khang dự Thánh Lễ 5 giờ sáng xong, quay về chuẩn bị hành lý, tọt xuống Gò Công thăm mộ Ông Bà Nội. Ngủ lại một đêm tâm sự với các chú tới 2-3 giờ sáng.

Trưa Thứ Hai, khởi hành xuống Cái Bè gặp mặt các cậu và các em bên ngoại lần đầu tiên. Cuộc gặp gỡ trong vội vàng và nhiều bỡ ngỡ, nhưng tôi tạm xem là đủ để khai đường quan hệ về sau.

Hai ngày tiếp theo dành cho một chuyến đi nghỉ mát ngắn tại Mũi Né.

Quay về Sài Gòn, dành một ngày một đêm với Cửu Thúc, được ông nấu cho nồi canh hoa sua đũa, gợi nhớ kỷ niệm thời sinh sống bên cạnh Nội Tổ Mẫu...

Vài ngày dành do gia đình bên nhạc mẫu. Bay ra Kontum viếng mộ của nhạc huynh. Sẵn dịp, dự Thánh Lễ Chúa Nhật tại nhà thờ Thánh Tâm. Viếng Nhà Thờ Gỗ...

Nghỉ và ăn trưa tại Khu Sinh Thái Ia-Nel...

Ghé thăm trại mồ côi Thiên Ân của Sơ Theresita Liên ở Chư Á...

Viếng tượng đài Đức Mẹ Fatima ở Măng Đen...

Vài ngày đi lại giữa Sài Gòn và Biên Hòa.

Một buổi ăn tối thịnh soạn tổng họp mặt với đám em út tại nhà Cửu Thúc...
Một buổi ăn trưa...


Thế là xong một chuyến đi thần tốc. Thoáng như một giấc mơ. Chia tay tại Tân Sơn Nhất, ôm chặt Cửu Thúc mà lòng bùi ngùi muốn khóc. Biết khi nào sẽ về lại nữa đây. Nhớ lời Ngô Thụy Miên: "Bao tháng năm dài miệt mài đời như khói sương, nghìn trùng dòng sông vấn vương. Để nhớ thương lệ mắt buồn." Tôi không còn tha thiết với mảnh đất này nữa, vì nó đã khác đi quá nhiều so với ký ức thời thơ ấu.  Nhưng tôi vẫn luôn vương vấn với những tấm thâm tình mãi mãi không nỡ xa.
Chia Sẻ:

"Khá lắm, Hỡi đầy tớ trung thành!"

Hôm qua Chú H đến thăm, mấy chú cháu ngồi "tâm sự" tới 5 giờ sáng thì hạ màn. Tôi lên mở tivi xem Lễ Phong Thánh cho hai vị giáo hoàng Gioan XXIII và Gioan Phaolô II, nhưng xem được một lúc thì ngủ gục khi nào không biết. May nhờ kênh Youtube của Dòng Tên có chương trình thuyết minh, nên bây giờ tôi mới có cơ hội vừa xem lại Thánh Lễ, vừa viết bài này.

Tôi nghĩ cá nhân tôi được hưởng hoa quả từ sứ mệnh của cả hai vị thánh này một cách trực tiếp. Thánh Gioan 23 đã khai mở Công Đồng Vaticanô II, đưa Giáo Hội vào thế kỷ 21 và đem Tin Mừng đến với những tín đồ hờ hững như tôi, qua công cuộc Tân Phúc-Âm-Hóa (The New Evangelization). Thánh Gioan Phaolô 2, mà tôi kính mến gọi là JPII trong dịp này, đã giới thiệu cho tôi biết về Thần Học Thân Xác (Theology of the Body), và Lòng Thương Xót Chúa (Divine Mercy). Nhớ ngài đã nhắc lại Lời Chúa: "Ta là Đấng TA LÀ. Các con đừng sợ! (I AM; Be not afraid)"  (Gioan 6:20). Dường như Ngài muốn nói:  Thầy là Đấng Toàn Năng Hằng Hữu; Con đừng sợ hãi khi phải đi theo đường mà Thầy đã vạch ra cho trong đời sống hôn nhân và gia đình con.

Hôm nay, nhân dịp Lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa, Hội Thánh chính thức tuyên bố hai vị này là thánh nhân, đáng được noi gương theo. Bằng ánh mắt của đức tin, tôi thấy và nghe được câu nói mà mọi người tín hữu đều mong đợi, được phán lên đối với họ: "Khá lắm, hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Nào hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ nhân ngươi." 
Ảnh chụp màn hình tivi lúc 5h26 sáng.
Chia Sẻ:

Suy niệm cuối Mùa Chay: A-ga-pê - Tình yêu siêu nhiên

Ba ngày Tam Nhật Thánh vừa qua (Thứ Sáu Tử Nạn, Thứ Bảy  Hy Vọng, Chúa Nhật Phục Sinh), tôi làm một chuyến "hành hương" đến North York, Saint Thomas, London, và Guelph (Ontario) để làm chứng nhân Tin Mừng bằng thân xác yếu hèn và nhiều khiếm khuyết của mình. Tại London, được nghe cha Anthony Nguyễn văn Dũng giảng giải về thần học phục sinh từ tầm nhìn của Lịch Sử Cứu Độ (salvation history), tạo cảm hứng cho bài suy niệm này, hơi nghiêng về khía cạnh huyền bí một chút.

Có 4 loại tình yêu: tình yêu gia đình (storge), tình yêu bạn hữu (philia), tình yêu xác thịt (eros), và tình yêu thiêng liêng (agape).  Cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu nói lên sự huyền nhiệm của tình yêu thiêng liêng, là thứ tình yêu cao cả nhất. Nó được thể hiện qua cuộc hôn nhân huyền bí giữa Đấng Cứu Thế và hiền thê tinh tuyền của Ngài là Hội Thánh, một sự giao hợp giữa Thượng Đế và loài người, bắt đầu bằng đêm tiệc ly tối Thứ Năm mà tôi đã tham dự tại giáo xứ Thánh Nữ Cecilia của Cha Tập.  

Chúa đã hiến trọn thân xác cho hiền thê dấu yêu của mình.  Mặc cho nàng phản bội, đem dâng Ngài cho kẻ ác hảm hại, Ngài vẫn yêu nàng. Mặc cho nàng chối bỏ không nhìn nhận chồng mình, Ngài vẫn yêu nàng. Mặc cho nàng đóng đinh tay chân mình vào cây gỗ và treo lên cao, rồi phỉ báng, rồi chê cười, rồi hạ nhục mình trong cơn đau đớn tột cùng kéo dài suốt sáu giờ đồng hồ dẫn đến cái chết. Ngài vẫn thương yêu và tha thứ tất cả. Trong tuần lễ dẫn đến Chúa Nhật Lễ Lá, tôi đặc biệt thấm thía với câu nói này mà Chúa đã phán với Phêrô:
Simon, Simon ơi, kìa Xatan đã xin được sàng con như người ta sàng gạo.  Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho con để con khỏi mất lòng tin. Phần con, một khi đã trở lại, hãy củng cố cho các anh em con trở nên vững mạnh. (Lc 22:31-32)
Một tình yêu siêu phàm, được thể hiện qua thân phận của một con người trông có vẻ tầm thường, yếu đuối. Sự kiện lịch sử ấy chứng minh rằng, một tình yêu cao cả như thế không ngoài tầm khả năng của con người yếu hèn như tôi. Dù cho thể xác có yếu hèn, nhưng có thiên sứ của Chúa luôn ngự bên hữu của tôi, là bạn đồng hành dẫn dắt tôi vượt qua mọi gian nan, thử thách.

Nếu hỏi rằng tại sao Chúa không phán một câu xóa hết mọi tội tình của nhân loại, mà lại bày ra trò chơi man rợ như thế đó để giải cứu thế gian, thì câu trả lời có thể gồm hai phần như thế này. Thứ nhất, vì tình yêu chân thật đòi hỏi có sự tự do, không ép buộc.  Thứ hai, Chúa không bày ra trò chơi man rợ, mà do chính loài người đã bày ra những trò chơi dã man ấy để cư xử với nhau. Chúa mang thân phận con người, chịu hy sinh để đền bù tội lỗi của loài người theo lẽ công bằng, vì Cựu Ước đã cho ta thấy: Tội lỗi dẫn đưa con người đến sự chết. Và Ngôi Hai giáng phàm để mặc khải cho tôi thấu hiểu rằng, tình yêu thiêng liêng có thể thắng cái bạo tàn của sự chết. Vậy nếu Thiên Chúa yêu thương tôi dường ấy, thì tôi cũng phải học yêu thương tha nhân y như vậy.  Chúa vừa gánh tội cho tôi, vừa nêu gương cho tôi phải làm sao để thoát khỏi ách nô lệ của tội lỗi...

Có bốn loại tình yêu. Nhưng tình yêu thiêng là cao thượng nhất, vì nó bao trùm cả ba loại tình yêu kia. Tình dục khi kết hợp với tình yêu thiêng liêng, thì nó biến đời sống tự nhiên của đôi vợ chồng lên hàng bí tích siêu nhiên. Khi hai vợ chồng đến với nhau và hy sinh cho nhau, là khi sự giao hợp ấy tái tạo nên sự phục sinh mới trong cả hai người, vốn đã là một xương một thịt. Sức mạnh của tình yêu ấy không những thừa khả năng chống chọi lại mọi sự quấy phá, mà nó còn chủ động tấn công, đến ngay cả quyền lực đen tối của chốn âm phủ cũng không tài nào chống cự nổi.
Chia Sẻ:

The X-Files: Sự thật còn sờ sờ đó

Tối hôm qua rãnh rỗi đôi chút, nên nằm xem lại Mùa cuối cùng của bộ phim truyền hình nhiều tập The X-Files. Hồi bộ phim này mới bắt đầu phát sóng, tôi rất mê nó và đã nhiệt tình theo dõi mỗi tối Thứ Sáu trên kênh truyền hình GlobalTV qua cái tivi 5' mà phụ thân đã thương tặng tôi trong lúc đi học tại Waterloo. Nhưng dần thì do bận rộn việc này hay việc khác mà đã bỏ, không theo dõi nữa.

Tập cuối cùng của Mùa thứ 9 có tiểu đề "Sự Thật" (The Truth). Nhân vật chính của chúng ta là Fox Mulder bị đưa ra "tòa án quân sự" vì bị buộc tội giết người. Lời phát biểu cuối cùng của anh trước tòa làm tôi thấy rợn người:
Tôi muốn chúc mừng các ông. Các ông đã thành công trong khi rất nhiều người trước đây đã thất bại. Một viên đạn thẳng vào ấn đường có lẽ sẽ tốt hơn đối với màn kịch này. Tôi đã học biết cách giả vờ trong 9 năm qua. Cứ ngỡ rằng các cuộc chiến thắng của tôi là quan trọng, chỉ để nhận ra rằng không có ai tính điểm cả. Để nhận ra rằng những kẻ nói dối không hề sợ sự thật nếu có đủ nhiều những kẻ nói dốiRằng ác quỷ chỉ là một người với một kế hoạch. Nhưng cái ác, cái ác thật sự, lại một sự hợp tác của nhiều người, và đó là những gì đang diễn ra tại đây ngày hôm nay. Nếu tôi là một tội phạm, thì chẳng qua tội của tôi là đã cả gan để tin, rằng sự thật sẽ được phơi bày, và không có điều gian dối nào lại có thể trường tồn mãi mãi được.  Tôi vẫn còn tin như vậy. Mặc dù các ông đã cố chôn vùi nó, sự thật đang ở sờ sờ kia. Vĩ đại hơn sự lừa dối của các ông, sự thật muốn được biết đến.  Các ông sẽ biết nó.  Nó sẽ tìm đến với các ông, như nó đã tìm đến với tôi, nhanh hơn tốc độ của ánh sáng. Nhất thời, có lẽ các ông đang tin rằng mình vừa thoát khỏi một cơn đau đầu, có thể đó là điều thật. Nhưng các ông đã chỉ thực hiện được điều đó bằng cách cắt đứt thủ cấp của chính mình.
Bác Chris Carter này võ công thâm hậu thật!
Chia Sẻ:

Suy niệm giữa Mùa Chay 2014

Sau gần một tháng ăn chay hãm mình, chu du trong sa mạc hoang vắng, tôi cảm nghiệm nhiều sự cám dỗ kinh khủng, nên hôm nay dành vài phút suy niệm về mục đích của việc ăn chay, để nhắc nhở kẻo mình bị lầm đường, lạc lối.
Ăn chay theo đạo Công Giáo, trên hình thức, là kiêng cử, không ăn thịt. Mục đích là phạt mình vì những tội lỗi mình đã vấp phạm, và hãm mình, làm chủ trên các dục vọng (đầu tiên là dục vọng thỏa mãn cái miệng và cái bụng) chứ không để chúng làm chủ mình. Luật hiện hành của Giáo Hội Công Giáo tại Bắc Mỹ rất ư là dễ dãi. Người tín hữu chỉ kiêng thịt vào Thứ Tư Lễ Tro và mỗi Thứ Sáu trong Mùa Chay (Giáo Luật điều 1251). Dòng Benedictô có luật lệ nghiêm hơn: trong những ngày khác, ngoại trừ mỗi Chúa Nhật là ngày Chúa sống lại, thì một ngày chỉ ăn một bữa.  
Gần một tháng xa gia đình, mình luôn muốn biết họ đang sống thế nào, đang làm gì, có vui hay không, có gặp trở ngại gì hay không. Sự quan tâm đó dẫn đến cám dỗ này: tôi luôn mong muốn có thông tin về họ mỗi ngày, và khi vắng tin thì trong lòng mình bất an. Nó là cám dỗ vì nó đưa đến cái hại cho chính bản thân mình, cụ thể là ảnh hưởng đến sức khỏe, đến tinh thần làm việc.
Nhưng, tôi đi trong sa mạc là để tìm Chúa tôi. Và khi tìm được Chúa tôi, Ngài sẽ nhắc nhở cho tôi rằng: 1) tình yêu là sự ước muốn mọi sự tốt đẹp cho người mình yêu, và 2) Thầy làm mọi sự tốt đẹp nhất cho con, con hãy tín thác nơi Thầy. Lời nhắc đầu tiên sẽ giúp tôi chế ngự sự ích kỹ của bản thân. Lời nhắc thứ hai là một sự trấn an cần kíp.
Chia Sẻ:

Con Người hoàn mỹ

Người ta thường hay nói: ở đời chẳng có ai là hoàn mỹ. Tôi thì tôi tin là có. Đầu tiên có một người, rồi hai người, và sau đó thì có hằng loạt người noi gương theo họ. Có người được hoàn mỹ ngay từ trong bụng mẹ. Có người không được hoàn mỹ mãi cho đến lúc lìa trần. Người hoàn mỹ có tình yêu hoàn mỹ. Tình yêu đó đi xuyên qua cây thập giá huyền bí kia. Thập giá ấy tượng trưng cho bao sự khổ đau mà loài người phải gánh chịu.

Trong bài đọc Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay (Gioan 9:1-41), các môn đệ hỏi Chúa Giêsu rằng, "ai đã phạm tội mà khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta?" Người đáp rằng, "Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh ta". Và sau đó thì mọi người được chứng kiến cảnh người mù được sáng mắt.

Hôm nọ tôi than rằng, tại sao mình ngu quá, không biết diễn đạt được niềm vui trong Chúa Kitô. Vài hôm sau, Thánh Thần liền chỉ cho tôi về tông huấn Niềm Vui của Tin Mừng (Evangelii Gaudium) do người bạn tên Phan-xi-cô của Ngài đã viết lên.

Làm thế nào để một người vừa đang vác thập giá, đang gánh lấy sự khổ đau, mà lại vui mừng cho được?

Bởi vì, "Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết" (Gioan 15:15).

Cho nên, dù cho thống khổ như ông Giốp đã từng trải qua, tôi cũng nên vui mừng vì được một Con Người hoàn mỹ kia, Đấng Thiên Đế ấy, vị Chúa Tể Càn Khôn, coi tôi là bạn.  Thật là điều phi thường vượt quá sức tưởng tượng của thân phận một hạt bụi.
Chia Sẻ:

Đối diện với tử thần

Tối nay trong lòng mình nặng trĩu, có lẽ do đọc tin dữ về chuyến bay MH370, rồi hình dung đến những giây phút cuối cùng của những sinh mạng.  Tự hỏi mình rằng nếu tôi nằm trong số 239 người kia thì tôi sẽ phản ứng ra sao?  Rồi tôi rùng mình trong sự tê liệt, bất lực trước kẻ thù của nhân loại: sự chết.
Hôm Thứ Bảy vừa rồi, đi coi phim Con Trời (Son of God), cũng có cảm giác nặng lòng khi xem cảnh Chúa Giêsu chịu tử nạn. Chính Chúa Giêsu cũng đã kinh hãi khi đứng trước cái chết. Quả thật nó là một sự kiện đáng kinh hãi, vì cái chết tách lìa con người ra khỏi Thiên Chúa.
Thế nhưng, từ khi Chúa Giêsu xâm nhập vào chốn thâm cung của tử thần hơn 2000 năm về trước, thì loài người được hưởng cái ân phúc này: là ngay cả cái chết cũng không thể tách lìa con người ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa được nữa. Và đó là một niềm an ủi vô cùng to tát đối với người công chính.
Vậy tôi phải làm sao để trở thành một người công chính? Cha Tiến Linh đã dạy trong buổi tĩnh tâm tuần vừa rồi: bước đầu tiên để trở thành một con người công chính là chân thành nhìn nhận mình là một con người tội lỗi. Đức Tổng Giám Mục Fulton Sheen cũng đã từng dạy: thật là một tấn thảm kịch nếu ta chết khi ta chết; nhưng nó lại là một điều đáng mừng nếu ta chết trước khi ta chết. Trong 40 ngày của Mùa Chay này, tôi đang cố gắng để chết mỗi ngày.
Chia Sẻ:

Tĩnh tâm Mùa Chay 2014: Gia đình là Thiên Đàng


Tối nay tôi đã được dịp đi nghe Cha Phêrô Nguyễn Tiến Linh đến từ California để giảng phòng tĩnh tâm Mùa Chay cho cộng đoàn Toronto. Đề tài tối hôm nay: gia đình là thiên đàng (đề tài ngày mai sẽ là: gia đình là hỏa ngục :-)). Tôi nghĩ mình cần tóm lại những ý tưởng tưởng chừng như đơn giản mà Cha đã nêu lên, để giúp mình suy ngẫm cho thấm nhuần thêm...

Ở đâu có Thiên Chúa, ở đấy có Thiên Đàng.
Chúa là tình yêu.
Gia đình là kết quả của tình yêu.
Vậy khi trong gia đình có tình yêu thương, thì ở đấy có Thiên Chúa, và gia đình đó là dấu chỉ cho thiên đàng.

Nhưng gia đình nào cũng có lúc vui, lúc buồn, lúc sung sướng, lúc khổ cực, có lúc hòa hợp, và cũng có lúc xung đột.

Dự phòng trước cho bài giảng của Cha ngày mai, thử hình dung khi nào gia đình sẽ biến thành hỏa ngục. Tất nhiên là khi gia đình xung đột, đời sống khốn khổ, hoặc những lúc chán ngán, đời sống vợ chồng không hòa thuận, con cái không vâng lời. Mọi việc tưởng chừng như vô vọng. Vậy trong những khoảnh khắc hỏa ngục ấy, Thiên Chúa có ở cùng tôi không? Câu trả lời dĩ nhiên là "có", và nó liên quan mật thiết đến sự tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu.

Giáo Lý Công Giáo dạy rằng sau khi trút hơi thở cuối cùng trên thập giá, Chúa Giêsu đã xuống ngục tổ tông, tức là nơi hỏa luyện ngục. Tại sao Chúa Giêsu, một con người vô tội, lại phải chịu khổ nạn cho đến chết và lại phải "bị đày" xuống địa ngục nơi linh hồn của các tội nhân đang chịu phạt? Tại vì, Ngài muốn cho tôi thấy rằng, ngay những lúc tôi khổ đau, khốn nạn nhất trong đời người, Ông Trời vẫn tiếp tục đồng hành với tôi. Ngài xuống địa ngục để biến địa ngục thành thiên đàng. Và đó là một sự an ủi vô cùng lớn lao. Cuối cùng thì, sự đau khổ và khốn cùng của loài người cũng có ý nghĩa, nếu chúng ta biết tín thác và đi theo Ngài.

Hồi trưa đọc tin tức, lại thấy có một luật sư thành đạt ở Toronto đã dụng đến phương pháp trợ tử vì cơn bệnh đau đớn hiểm nghèo.  Đọc xong tôi chỉ biết thở dài, nửa cảm thông cho người phải chịu đau triền miên năm này qua tháng nọ, một ngày như thể là mãi mãi. Sự đau đớn tưởng chừng như không thể vượt qua nổi. Trong những lúc ấy, người ta biết làm gì, ngoài việc cầu nguyện, và lắng nghe Lời Chúa thỏ thẻ bên tai mình: đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không có việc gì là không thể được.

Vì cuộc tử nạn đau thương của Chúa Giêsu Kitô, xin Cha thương xót chúng con và toàn thế giới. +Amen
Chia Sẻ:

Suy ngẫm cho Chúa Nhật đầu Mùa Chay 2014

Hôm qua đi làm bù cho hôm Thứ Năm nghỉ. Trên đường lái xe, nghe tiết mục Đọc Kinh Thần Vụ (Divine Office of Readings), đoạn đầu có bài hát này khiến tôi bật khóc tức tửi:
"Maker of this heart of mine
You know me very well.
You understand my deepest part
More than I know myself.
So when I face the darkness,
When I need to find my way.
I’ll trust in You,
Shepherd of my heart.
Keeper of this heart of mine
Your patience has no end.
You’ve loved me back into Your arms
Time and time again.
So if I start to wander
Like a lamb that’s gone astray,
I’ll trust in You,
Shepherd of my heart..."
Cha Robert Barron nói rất chí lý: Khi ta càng tiến gần đến Ánh Sáng, thì ta càng dễ nhìn thấy những vết nhơ trên người mình.

Trong các bài đọc cho Thánh Lễ Chúa Nhật hôm nay, Hội Thánh cho tôi thấy sự khác biệt giữa quyền lực của loài người, và quyền lực của Thiên Chúa. Tôi tưởng tượng Tổ Tiên của chúng ta thuở khai thiên lập địa, được Chúa trao cho chức vụ làm tổng quản của các loài vật, đủ trí tuệ để đặt tên cho từng loài. Thế mà lại bị bại dưới miệng lưỡi xảo huyệt của con xà tinh huyền bí là Sa-tăng kia. Ngược lại, Chúa Giê-su chỉ dụng đến bản năng của một con người, không phù phép, thì đã đánh bại cơn dụ dỗ của Sa-tăng. Sự khác biệt giữa A-dong và Giê-su là gì? Đó là sự hợp nhất liên lĩ với Đức Chúa Cha trong Thần Khí.

Tôi viết như vậy để nhắc nhở chính mình rằng: ngay trong giây phút yếu đuối, thay vì cảm thấy xấu hổ, muốn lánh xa, thì tôi càng cần lê lếch tấm thân tàn đến quì dưới chân Người mà nài van: xin Cha tha thứ cho tội của con, và xin tăng sức cho con để con sáng suốt chế ngự cơn cám dỗ sẽ tái diễn, theo gương Con Chí Thánh của Cha đã vượt qua.

Hình chụp với Cha Tập sau Thánh Lễ 4 giờ chiều.


Chia Sẻ:

Ngày 1 Mùa Chay 2014

Hôm nay nhân giờ ăn trưa, đi dự Lễ Tro tại giáo xứ Thánh Phanxicô Xa-viê ở Mississauga.

Lễ Tro chính thức khởi đầu 40 ngày chay tịnh trong lịch phụng vụ Công Giáo. Con số 40 tượng trưng cho sự tinh luyện. Dân Do Thái thời Mai-sen đã phải đi lạc 40 năm trong sa mạc để thanh tẩy tội bại hoại tín ngưỡng. Chúa Giê-su đã vượt qua 40 ngày đêm cám dỗ của Sa-tăng để chuẩn bị sức mạnh cho công cuộc thi hành sứ mệnh của Người. Cũng như vậy, mỗi năm tôi cần phải trải qua 40 ngày thanh tẩy để lấy sức cho cuộc chiến tâm linh trong suốt một năm phụng vụ.

Ngày đầu tiên đã khởi đầu với nhiều thiếu sót. Trong ba tôn chỉ của Mùa Chay, đó là "cầu nguyện - ăn chay - bố thí", tôi đã vấp ngã những ba lần: một lần trong Thánh Lễ, một lần trên đường lái xe về nhà hồi lúc chiều, và một lần khi về đến nhà.  Kyrie, eleison!
Chia Sẻ:

Con Trời

Đức Hồng Y Donald Wuerl của tổng giáo phận Washington, nói về bộ phim sắp sửa ra rạp - Con Đức Chúa Trời (Son of God):

Ngài đến để biến đổi thế gian. Biến đổi bằng cách nào?

Hôm nay trong Thánh Lễ, nghe Ngài tiếp tục giảng dạy về đức công chính của người môn đệ, theo lời kể của Thánh Mát-thêu (chương 5): đừng ghét giận, chớ ngoại tình, đừng ly dị, đừng thề thốt, chớ trả thù nhưng phải yêu thương và cầu nguyện cho kẻ thù.

Tôi nghĩ đến Thầy tôi là tấm gương hoàn mỹ nhất cho những lời dạy này. Ngay khi chân tay bị đóng đinh vào thanh gỗ hình chữ thập, vẫn thốt lên câu "Lạy Cha, xin Cha tha thứ cho họ, vì họ không biết mình đang làm gì."

Lời dạy của Thầy quá cao siêu: hễ ai tát vào má bên phải, thì hãy đưa cho họ tát vào má bên trái luôn nữa; ai lột áo lột áo trong của mình thì hãy để cho họ lấy luôn áo ngoài...

Lý lẽ của phàm nhân sẽ cho đó là sự điên rồ, ngu dại. Hoặc, chỉ có thánh nhân mới làm được chớ ai mà làm nổi. Nhưng, nếu nhờ Hồng Ân mà hiếm hoi ai đó có thể làm nổi, thì họ sẽ biến đổi thế gian. Và cũng như có ai đó đã từng ai oán: nỗi bất hạnh lớn nhất của đời người, là không thành thánh nhân.
Chia Sẻ:

Ngẫm về Men Pha-ri-siêu

Lời của Thầy tôi nhiều lúc chiếu rõ cho tôi thấy rằng mình ngu muội. Đây là một trong những lúc ấy:
...Các môn đệ theo Người lên thuyền đi Bết-sai-đa mà quên đem theo lương thực; trên thuyền, các ông chỉ có một chiếc bánh. Người răn bảo các ông: "Anh em phải coi chừng, phải đề phòng men Pha-ri-sêu và men Hê-rô-đê!" Và các ông bàn tán với nhau về chuyện các ông không có bánh. Biết thế, Người nói với các ông: "Sao anh em lại bàn tán về chuyện anh em không có bánh? Anh em chưa hiểu chưa thấu sao? Lòng anh em ngu muội thế! Anh em có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe ư? Anh em không nhớ sao: khi Thầy bẻ năm chiếc bánh cho năm ngàn người ăn, anh em đã thu lại được bao nhiêu thúng đầy mẩu bánh còn dư lại?" Các ông đáp: "Thưa được mười hai."  "Và khi Thầy bẻ bảy chiếc bánh cho bốn ngàn người ăn, anh em đã thu lại được bao nhiêu giỏ đầy mẩu bánh? " Các ông nói: "Thưa được bảy." Người bảo các ông: "Anh em vẫn chưa hiểu ư?" [Mc 8:14-21]
Bài đọc Tin Mừng sáng hôm qua kết thúc đột ngột với câu "Anh em vẫn chưa hiểu ư?" Khiến lòng tôi hụt hẫng với câu trả lời, "Tôi chưa hiểu". Cho nên, tối về, tìm xem lời chú thích trên trang mạng của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, xem lại bài giảng của Cha Jack Lynch, và lờ mờ hiểu được như thế này ...

Theo quan niệm dân Chúa thời bấy giờ, bánh mì có men (leavened bread) là dấu chỉ cho sự ô uế. Bánh để qua đêm, sẽ trở nên chai cứng, biểu hiện cho sự cứng lòng của người Pha-ri-siêu và của vua Hê-rô-đê. Mặc dù Chúa đã làm nhiều phép lạ trước mặt họ, nhưng mắt họ vẫn không thấy, trí họ vẫn không hiểu, và lòng họ vẫn không tin. Họ không thấy vì họ đang đeo đuổi một hình bóng Đấng Cứu Tinh khác hoàn toàn so với người đang đứng trước mặt họ. Họ không tin bởi vì nếu tin thì họ phải thay đổi hoàn toàn cuộc sống thượng lưu mà họ đang có trong tay.

Đối với các môn đệ lúc bấy giờ, họ đang âu lo không có đủ bánh để ăn, trong khi Bánh Hằng Sống đang ở ngay trong tầm tay họ. Bánh này là gợi ý cho Bí Tích Thánh Thể.

Đối với tôi ở hiện thời, tôi có bao giờ lo sợ không đủ "bánh" để cho gia đình tôi được no đủ mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng không? Nếu câu trả lời là "có", thì quả thật tôi đáng bị Thầy tôi mắng là đồ ngu muội.
Chia Sẻ:

Bốn ngày nghỉ Lễ Gia Đình 2014

Lễ Gia Đình, theo thông lệ, đa số nhân viên ở tỉnh bang Ontario được ba ngày nghỉ cuối tuần. Năm nay tôi bất đắt dĩ được nghỉ bốn ngày.

Thứ Năm đi làm, do hăng ... chơi bóng bàn quá, nên bị trật khớp chân, sưng ù. Tối bị hành, ớn lạnh. Sáng đi cà nhắt, bèn gửi thư vào công ty báo bệnh, nằm nhà dưỡng thương.

Tối Thứ Bảy, ngồi lai rai với Tứ Đệ, bàn nhảm về đạo, về đời. Hơn ba giờ sáng thì lên giường, trùm mền run tiếp.

Chiều Chúa Nhật, qua nhà Tứ Muội dự tiệc sinh nhật của cháu T. Mang tiếng "dự", nhưng thật ra thì để cho tụi nhỏ chơi với nhau, còn tôi chui vào phòng ngủ, đánh một giấc. Khi tỉnh dậy, xuống phòng tiệc tìm đồ ăn, ăn một bụng, quây quần bên đám trẻ con một lát, đến khoảng chín giờ đêm thì ra về.

Trên đường về, gọi điện hỏi thăm Lão Tam (Tứ Đệ và Mẫu Thân đã đến nhà lão từ chiều), định từ chối không xuống nhà lão, nhưng liền được lão ta "động viên", nên cao hứng quất ngựa chuyển hướng Tây mà phóng nước đại. Tới nơi thì đã hơn mười một giờ đêm. Ba anh em ngồi mượn bia làm lời tâm sự, tới năm giờ sáng mới đi ngủ.

Chia Sẻ:

Ngẫm về tội tổ tông

Đêm nay làm khuya, tạm thư giản vài phút đảo một vòng đọc các bài blog qua feedly, đọc được bài viết của Đức Ông Charles Pope về tội tổ tông, học được vì sao "tội tổ tông" thuần túy ám chỉ về tội của A-dong (người đàn ông đầu tiên), chứ không phải của E-và (người đàn bà đầu tiên): E-và phạm tội nhưng không biết, còn A-dong tuy biết là sai nhưng vẫn cứ làm, nên tội càng nặng, di truyền cho con cháu cái bản năng sa ngã ấy đến muôn đời.

Đức Ông Charles đi sâu hơn, giải thích rằng, bản tính người phụ nữ giàu tình cảm. Tuy rằng đức tính đó thường là nguồn hòa hợp và bình an trong gia đình, nhưng nó dễ mở lòng người phụ nữ ra cho kẻ xấu lừa gạt. Và khi người phụ nữ bị lừa gạt, thì nàng dễ lôi kéo chồng mình đi theo.

Cho nên để hóa giải cái gọng kìm của tội này, Thánh Phao-lô khuyên người phụ nữ của cộng đồng Ê-phê-sô phải phục tùng chồng mình, cũng như Hội Thánh phục tùng Chúa Giêsu; đồng thời ngài khuyên người chồng phải hy sinh cho vợ mình như Chúa đã hy sinh cho Hội Thánh. Dĩ nhiên, Lời dạy này rất khó nghe ở đời nay. Nhưng như Thầy đã từng dạy: Ai có tai nghe, thì hãy nghe.
Chia Sẻ:

Tết Giáp Ngọ, bàn đến tội mê rượu chè

Thứ Bảy rồi, ba anh em chúng tôi họp lại tại thành phố Guelph để "ăn Tết", ngồi vừa coi hát Đờn Ca Tài Tử trên YouTube, vừa lai rai tới 9 giờ sáng, tiêu gần 60 chai "dầu xanh". Nếu Tiểu Độc Cô không lọt tọt xuống tìm tôi thì chắc tôi vẫn còn uống tiếp. Vừa đặt lưng xuống là tôi ngủ khò không hay biết gì nữa. Chiều đến, nghe bà nhà tôi thuật lại, thấy tiểu tử ngồi cạnh bên canh chừng cho tôi ngủ gần cả giờ đồng hồ rồi mới bỏ đi xuống lầu chơi với em nó.

Bốn giờ chiều thức giấc, tắm rửa. Có lẽ tôi uống ít nhất trong ba anh em, nên vẫn còn tỉnh táo để lái xe tiếp tục chạy xuống Saint Thomas thăm gia đình Chú H. Mấy hôm nay sức khỏe Chú không được tốt, chú uống trà, còn tôi ngồi uống mấy chai Bud Light Platinum với đứa em trai út trong gia đình. Đến khoảng 4 giờ sáng thì hai anh em, thằng nào cũng tu không nổi nữa, bèn kết thúc cuộc chơi, đi ngủ.

Trưa Chúa Nhật, tháp tùng cùng gia đình Chú H lên London vì có Cha An-tôn Nguyễn văn Dũng (DCCT) từ Toronto đến cử hành Thánh Lễ cho cộng đoàn nhân dịp Tết. Tôi lợi dụng cơ hội, hỏi Cha về tội mê uống. Câu trả lời của Cha hết sức ... ngoại giao: rằng nó có thể là tội, mà cũng có thể không tội. Uống rượu không có tội. Nhưng nếu khi say sưa, tôi làm nên những việc bậy bạ, hoặc tôi không làm những gì bổn phận và trách nhiệm đòi hỏi cần phải làm, thì đó là tội. Cho nên, cần phải biết độ lượng. Vậy ba anh em tôi uống, tính ra trung bình mỗi thằng 20 chai Heineken, chắc là đã quá liều độ lượng nó đi mất. Thôi, xưng tội oách để cho tôi được hai chữ "bình an", cùng xin Chúa ban cho sự khôn ngoan để lần sau biết ... độ lượng hơn. Đây là quá trình rèn luyện tính khiết tịnh để làm chủ lấy bản thân:
Giáo Lý Công Giáo điều 2339: Ðức khiết tịnh đòi hỏi phải học biết tự chủ, để sống như một con người. Rõ ràng con người phải chọn lựa: hoặc chế ngự các đam mê và được bình an; hoặc làm nô lệ chúng và trở nên bất hạnh (Hc 1,22). "Phẩm giá con người đòi họ phải hành động theo một sự lựa chọn ý thức và tự do, được tác động và quyết định bởi một xác tín cá nhân chứ không phải chỉ dưới hiệu quả các thôi thúc của bản năng hoặc của một sự cưỡng chế bên ngoài. Con người đạt đến phẩm cách đó khi tự giải thoát khỏi mọi nô dịch của các đam mê, nhờ tự do chọn lấy điều thiện, con người theo đuổi cùng đích của mình và khôn khéo thực sự tạo cho mình những phương tiện thích ứng" (x.GS 17).
Chia Sẻ:

Hôn mê gà lôi

Vậy là tôi đã thoát ra được "cơn hôn mê gà lôi" (turkey coma), mặc dù Nô-en năm nay không ăn gà lôi.

Cập nhật thông tin sau một tháng lặng thinh...

Hồi đầu tháng 12 vừa qua, tổ chức tiệc sinh nhật cho tụi nhỏ, có Cha Tập đến nhà chơi. Cha bận nhiều việc, vội đến rồi vội đi. Có nhiều chuyện muốn thỉnh giáo Cha, đành phải đợi dịp khác vậy.

Ba ngày Giáng Sinh, xuống Saint Thomas ngồi uống trà, nói chuyện trắng đêm với Chú H.

Mấy ngày đầu năm, cùng Lão Tứ xuống nhà Lão Tam ở Guelph làm tiệc sinh nhật cho mẫu thân. Dự định ba anh em ngồi lại bàn chuyện thế sự một đêm. Kết cuộc, ngồi tản mạn trăm điều với chú H, bạn của mẫu thân, tới gần 9h thì bị chú chê rằng tôi có tinh thần Việt Khang, bèn vỗ vai chú mấy cái rồi đi ngủ.

Chúa Nhật vừa rồi đi chơi với Tứ Muội. Tối về nhà thì đói, mới mon men lên mạng tìm chút của ăn tâm linh. Được Đức Ông Charles Pope nhắc nhở cho tôi nhớ Thầy tôi là ai (http://feedly.com/k/1djoGq0): 


1. Ngài đã được Kinh Cượu Ước tiên báo,
2. Ngài hằng hữu,
3. Ngài là ưu việt (pre-eminent),
4. Ngài đầy quyền năng, và
5. Ngài là sự hiện diện của Ông Trời.

Mấy hôm trước, lại được nhắc bởi một lời khuyên theo tinh thần Thánh Phan-xi-cô A-si-si: Hãy luôn luôn rao giảng Tin Mừng, và chỉ dùng lời nói khi cần thiết. Làm tôi sực nhớ rằng, dạo này  dường như tôi nói chuyện bao đồng hơi bị nhiều. Nên tiếp tục trở lại tịnh khẩu chăng?
Chia Sẻ:

Ý Kiến Bạn Đọc

Facebook

Nhãn

anh ngữ (1) ảo ba trì (10) apologia pro vita sua (3) ăn uống (2) bà nội (5) bạo lực (1) bảo quản xe ôtô (4) benedictxvi (3) bí tích thánh thể (8) canada (37) catholic (2) cầu nguyện (11) cbc (2) chết chóc (3) chính trị (6) chúa ba ngôi (24) chứng nhân giê-hô-va (3) CNE (2) covid-19 (10) cộng đồng (3) công giáo (134) công nghệ (6) cộng sản (2) công việc (24) cuba (1) cung tự phục hổ quyền (2) cuối tuần (6) dạy con (1) dị ứng (4) dịch thuật (1) du lịch (9) du lịch bằng xe (2) du ngoạn (9) dụ ngôn (1) đại hội giới trẻ (3) đạo (1) đêm tối tăm (5) đi công tác (3) độc cô cầu đạo (36) đời sống (5) english (4) francis-xavier nguyễn văn thuận (1) gãy xương (5) gia đình (79) giáng sinh (8) giáo lý (9) giao thông (5) giao tiếp (1) giới tính (4) gò công (6) grand bend (1) guelph (7) gương thánh nhân (10) hài hước (2) hành hương (1) hòa giải (1) hoa kỳ (5) hỏa ngục (3) hội hè (2) hội thánh (3) hồi tưởng (8) hôn nhân (7) humanae vitae (1) huntsville (2) hứa hẹn đầu năm (1) jpii (8) kế hoạch kungfu panda (1) khoa học (3) khổ đau (2) khủng bố (1) kinh doanh (5) kinh nguyện (3) kinh thánh (42) lectio divina (1) lễ tạ ơn (4) lễ tro (1) linh thao (1) linh tinh (4) lòng thương xót chúa (5) luật pháp (2) lumen fidei (1) máy vi tính (1) mầu nhiệm (1) memento mori (3) mê hồn trận (18) montreal (1) mùa chay (59) mùa đông (1) mùa hè (5) mùa vọng (3) mùa xuân (4) ngắm đàng ánh sáng (1) nghỉ xuân (1) ngôn ngữ (3) người việt khắp nơi (2) nhà cửa (4) nhật bản (3) nhật ký nghĩa vụ bồi thẩm đoàn (3) ontario (19) ottawa (2) phá thai (2) phật giáo (7) phép xã giao (1) phim (4) phục sinh (13) quê hương (2) rắn (2) rượu bia (3) Sauble Beach (1) sống đạo (3) st. thomas (canada) (13) summa theologica (1) suy ngẫm (57) sự sống (1) sức khoẻ (2) sức khỏe (10) tam nhật thánh (2) tâm lý (5) Tết (8) tháng tư đen (2) thành bại (1) thánh lễ (1) thánh mẫu (3) thần học thân xác (3) thể dục (1) thế giới (1) thị trường (1) thiên chúa giáo (27) thiên đàng (2) thiên nhiên (6) thiên tai (1) thiên văn (1) thời sự (41) thời tiết (20) thư giản (1) tin mừng (2) tình dục (3) tĩnh tâm (34) tình yêu (6) toronto (49) tổ tiên (6) tội (7) tôi là (24) tội tổ tông (7) tôn giáo (8) trầm tư (28) trung quốc (2) ttc (3) tuần hoàn (1) tuần thánh (5) vật lý (1) verbum domini (1) việt nam (14) viết trên iPod (21) vlog (4) võ học (2) vô thần (3) waterloo (3) wikileaks (2) xã hội (2) xe đạp (15) xưng tội (41) y học (2)

Bài Mới Nhất

Được Xem Nhiều Nhất

Người theo dõi

Lưu trữ Blog