Đêm Thánh Vô Cùng

Đêm Noêl năm nay tôi chạy lên nhà mẫu thân tôi để "chia sẻ Tin Mừng" với bà. Chỉ là hai mẹ con,  ngồi bên nồi lẩu dê, hát thánh ca, và suy ngẫm về Mầu Nhiệm kinh khủng khi Ngôi Hai "Thiên Chúa giáng sinh khó khăn thấp hèn". Đảo một vòng đọc tin trên Facebook, thấy giáo sư Ngô Bảo Châu thắc mắc về ý nghĩa của câu hát "he was just some Joseph looking for a manger" trong bài hát The Stranger của cố nhạc sĩ Leonard Cohen. "Hắn chỉ là một Giu-se đi tìm nơi máng lừa." Chỉ tìm một chỗ trọ tạm bợ lót lưng để qua đêm ư? Chắc là không đâu. Máng lừa của Thánh Giu-se là nôi ấp ủ cho Đấng Cứu Thế hạ sinh. Giu-se đi tìm máng lừa để đón mừng ơn cứu độ đến với thánh nhân nói riêng và cả nhân loại nói chung. Chàng lữ khách kia không chỉ tìm một chỗ nghỉ qua đêm cho thân xác, nhưng anh ta đang tìm nơi nghỉ ngơi lâu dài cho linh hồn, một cuộc tìm kiếm vốn là loài công vô ích...cho đến khi nào anh ta gặp được đấng cực kỳ cao sang trong chốn cực kỳ thấp hèn, sẽ cho anh ta thức ăn đời đời sẽ không đói khát nữa (manger còn là động từ tiếng Pháp có nghĩa "ăn").

Sáng 25, Chủ Nhật, mấy cha con đi dâng Thánh Lễ, bất ngờ  gặp cô chú H từ St. Thomas. Thật là một sự ngạc nhiên tuyệt vời. Tay bắt, mặt mừng, nhưng trong mình còn một số việc, nên đành hẹn cô chú vài ngày nữa hàn huyên. Xong Thánh Lễ, tôi chạy đi mua tí thức ăn, rồi đưa đám nhóc lên thăm phụ thân. Ông đang ở nhà một mình, nên lại chỉ là hai cha con ngồi lai rai đến chiều.

Chiều nay, 26 Tây, Tứ Muội tôi đưa hai đứa cháu đến ghé thăm, mang cho mấy đứa nhóc một trò chơi xây nhà bánh gừng (gingerbread house kit). Mấy anh em cùng quây quần bên trò chơi, góp tay có, tranh đua cũng có. Cũng khá náo nhiệt. Dưới đây là thành quả chung.
Kết thúc bài hồi ký này với hai chữ tiêu biểu cho Lễ Giáng Sinh năm nay: thanh tịnh. Thanh tịnh để nhớ về mầu nhiệm cao siêu của Chúa Nhập Thể. Vì sao Ngôi Hai phải giáng trần? Ngài đến để mang thiên đàng, mang tình yêu đến với thế gian! Sự kiện lịch sử ấy đã diễn ra 2000 năm rồi. Chúng ta hiện đang sống trong thời đại thiên quốc, khi nước trời đang ở giữa trần gian. Sứ mạng của chúng ta luôn là: lần bước theo con đường thương khó, sống sao cho "Nước Cha ngự đến" trong đời mình, và "Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên Trời".

Chia Sẻ:

Mầm mống đức tin

Cuối tuần này có hai đứa cháu tôi (M 6 tuổi và T 8 tuổi) đến chơi và ngủ qua đêm tối Thứ Bảy.

Nhớ mấy lần trước khi hai đứa ngủ qua đêm tối Thứ Bảy, sáng Chúa Nhật đến giờ đi dâng Thánh Lễ ở Nhà Thờ thì tôi kéo chúng nó đi theo. Sau một hai lần, thấy chúng nó không có hứng thú gì mấy, tôi không bắt chúng đi nữa.

Sáng Chúa Nhật hôm nay, do bé Xoài bị bệnh ho nên tôi để bé ở nhà. Sau bữa ăn sáng, khi tôi và anh chị của Xoài chuẩn bị mặc áo lạnh để đi bộ đến Nhà Thờ thì T và M cũng chạy đi lấy khoác áo lạnh để đi theo. Tôi ngạc nhiên hỏi T,
- You don't have to come if you don't want to. Are you sure you want to come?
- Yes.
- What about M? Do want to come with us or stay home and play with Xoài?
- I want to go with you.
- Well then let's go. Bác Hai is very happy that you wanted to come.

Chắc hai đứa nó đã bị anh chị Tiểu Độc Khách và Tiểu Cô Nương cám dỗ, mách rằng ở Nhà Thờ có lớp giáo lý có trò chơi tập vẽ và tô màu, rất vui. Cũng có thể đây là linh cảm từ Chúa Thánh Thần, là mầm mống của đức tin.

Sau Thánh Lễ, một cô dạy giáo lý đến chỗ chúng tôi ngồi và cám ơn các cháu đã đến dự Thánh Lễ. Bà còn nhìn tôi và nói: "You're doing a very good job with them. They are very well behaved." Tôi mỉm cười và lịch sự cám ơn. Có lẽ bà không biết được rằng giữ cho đám nhóc của nhà tôi được "well behaved" luôn là một nỗ lực mà tôi thường thất bại. Cũng có lẽ bà biết tôi cần được nghe lời động viên như thế.



Chia Sẻ:

Trời lạnh càng lạnh

Tuần này đường phố Toronto đã bắt đầu lấm chấm những hạt tuyết rơi. Nhiệt độ đã xuống dưới độ đóng băng (hiện tại là -1°C nơi tôi đang đứng đợi chuyến xe buýt về nhà).

Trời lạnh có nghĩa là Mùa Đông sắp đến. Có nghĩa là là nơi tôi đang đứng đây đang  cách rất xa với mặt trời so với  3 tháng trước đây khi khí hậu còn ấm áp.

Trời lạnh khiến tôi tưởng rằng tôi ghét trời lạnh. Nhưng như mọi năm, từ từ thì sẽ quen. Mặc thêm chút đồ ấm, găng tay, giày tuyết, thì cho dù -20°C thì vẫn bình thường thôi!
Chia Sẻ:

Ngợi ca Lòng Thương Xót...

Hình: Trước Cửa Thánh, bên trong là phòng chầu Thánh Thể.
Chiều Thứ Sáu vừa rồi, tôi đưa đám tiểu đệ tử đến nhà thờ Thánh Maximilian Kolbe để viếng Cửa Thánh (Holy Door of Mercy) và chầu Mình Thánh Chúa. Chầu xong tôi để ba anh em dạo chơi trong nhà thờ trong lúc tôi xếp hàng chờ xưng tội. Số người xếp hàng đông ơi là đông. Chờ khoảng nửa giờ đồng hồ thì đến lược tôi. Tuy chỉ mới có gần 3 tháng, nhưng lần này, không hiểu sao, chắc nhờ sự thúc giục của Chúa Thánh Thần trong dịp kết thúc năm thánh Lòng Chúa Thương Xót, một loạt vô số tội tuông ra từ miệng tôi như đã 10 năm không đi xưng tội.

Xưng tội xong,  lòng tôi nhẹ nhõm. Nhưng 5 phút sau lại vướng tội, lại hằn hộc với con, lại vô tâm với vợ. Vì vậy, sáng Chúa Nhật, nhân dịp Lễ Chúa Giêsu Vua Vũ Trụ, tôi đã khấn nguyện lời này, như tự hứa với lòng mình: Lạy Chúa con, Lạy Đức Vua của con, xin Ngài đến ngự trị trong lòng con từng giây, từng khắc trong cuộc sống bụi trần của đời con.

Chúa Nhật này kết thúc Năm Thánh Lòng Thương Xót Chúa. Sáng sớm theo dõi Thánh Lễ trên kênh YouTube của Tòa Thánh Vatican, nghe Đức Thánh Cha Phanxicô nói, sau khi đóng Cửa Thánh: Cửa Thánh trong không gian hữu hình này, theo nghi thức, đã đến hồi phải đóng, nhưng Lòng Thương Xót của Thiên Chúa vẫn luôn rộng mở...qua các Bí Tích mà Ngài đã để lại cho chúng ta.

Ngợi ca Lòng Thương Xót,
Chúa đã ban tặng con.
Hỡi trái tim từ nhân,
con tín thác nơi Ngài.
Chia Sẻ:

Trời đã trở lạnh

Trời đã trở lạnh. Hôm 25 tây tháng vừa rồi, đạp xe từ công ty về nhà giữa thời tiết 6°C, lòng ngẫm nghĩ: có thể tôi sẽ nhân dịp này kết thúc mùa đạp xe 2016.
Tuần này đã đóng ao, kết thúc mùa bơi 2016.

Cũng tuần này, cây lá ở đây đã chuyển màu thu, trông tuyệt đep.

Thứ Bảy vừa rồi tôi chạy xuống Saint Thomas dự tiệc sinh nhật của đứa cháu và thăm cô chú H. Tối đến chạy qua nhà anh chị Ch và Tr ngủ nhờ. Anh chị thật tốt bụng và hiếu khách, nên ba anh em đã ngồi say mê trò chuyện về đạo, tới hơn 5 giờ sáng mới đi ngủ. Chúng tôi đã bàn thảo về Lòng Chúa thương xót (divine mercy) so với đức công chính (justice), về cửa thánh (holy doors), về những câu nói khó hiểu của Chúa Giêsu ("Ta đến không để đem bình an nhưng là thanh gươm"). Cảm ơn anh chị thật nhiều đã cho tụi này tá túc và càng cảm ơn món quà thời gian quí báo của anh chị!

Sẵn đây, ghi lại một cuộc phỏng vấn thật hay tôi được nghe. Hai tuần trước, cũng ngày Thứ Bảy, đang chạy lòng vòng Toronto thì nghe đài phát lại cuộc nói chuyện, giữa bác Al Kresta (CEO của Ave Maria Radio) và học giả Thánh Kinh N.T. Wright, về tác phẩm mới của bác Wright: The Day the Revolution Began (Ngày khởi đầu của cuộc cách mạng). Cuộc cách mạng ấy đã lật đổ ách thống trị của Sa tăng nơi trần gian, và nó bắt đầu khi Đức Giêsu trút hơi thở cuối cùng trên Thập Giá. Đó là thời điểm Nước Trời đã đến giữa trần gian và chúng ta giờ đây đang sống trong một thế giới mà đau khổ và chết chóc không còn thực lực để làm chúng ta tuyệt vọng nữa.
Chia Sẻ:

Anh em

Cuối tuần trước chạy xuống Lão Tam dự tiệc sinh nhật thứ 13 của bé K.

Cuối tuần rồi chạy lên Lão Tứ dự tiệc Giỗ Bà Ngoại tôi. Nói là "tiệc" cho hoành tráng nhưng chỉ có hai anh em. Nhưng như vậy cũng tốt. Có dịp hai anh em cùng ngồi tâm sự, cùng ngồi khóc tới 6 giờ sáng, nốc bay 24+ chai ken.

Sống trên đời này, ai cũng có gánh nặng quằng vai. Gánh nặng đó nếu không phải là thập giá Chúa ban, thì là gông cùm quỷ ban. Xin cho đó là thập giá, thay vì gông cùm. Nếu là gông cùm, thì Chúa sẽ tháo gỡ, nếu người có lòng. Nếu là thập giá, thì nên vui mừng trong hoạn nạn, vì khi Chúa để cho chúng ta chịu thử thách, thì Chúa cũng ban ơn vượt qua. Còn phần anh em, anh em hãy là hiện thân của Đấng Cứu Chuộc, là Đức Kitô, là Ngôi Hai Thiên Chúa, đối với anh em mình.

Lúc này trời bắt đầu trở lạnh, nhiệt độ ban sáng khoảng 9°C. Hôm Thứ Sáu vừa rồi, lần đầu tiên đi xe đạp buổi sáng trong cơn mưa.
21-10-2016 @ 9:50 EDT, Tomken + Timberlea


Chia Sẻ:

Sầu Bi

Hôm nay ngày lễ kính Đức Mẹ Sầu Bi, tôi nhận thêm nhát gươm từ con quỉ của dĩ vãng mà tôi từng đương đầu trong hai năm vừa qua, nhát gươm nặng hơn ba trăm ngàn cân.
Con quỉ này, hình như hắn muốn khơi dậy tính năng sáng tạo, mà tôi đã để cho ngủ vùi trong mấy năm nay.
Trong những lúc như thế này, tôi cần nhớ, tập trung ánh mắt tôi vào Chúa tôi, đừng nhìn vào cơn sóng to gió lớn.
Chiều nay trên đường đạp xe đạp về, cảm thấy khí trời mát lạnh hơn mọi ngày. Nhìn đồng hồ xe ghi nhận 16.7°C. Mùa Đông đang từ từ tiến đến.
Chia Sẻ:

Đức khiêm nhường hóa giải được cơn giận dữ chăng?

Hai tuần qua trong lòng tôi buồn bực, hằn hộc với vợ con. Thế là chiều Chúa Nhật vừa rồi, hai cha con rủ nhau đi xưng tội. Cha khách ngồi tòa, khuyên rằng: nên rèn luyện thêm tính khiêm nhường. Trong lòng tôi ngẫm nghĩ: khiêm nhường hóa giải được cơn giận sao?
Sáng Thứ Hai thức dậy sớm làm chút việc, đồng thời nghe Đức Ông Charles Pope bình luận trên Đài Phát Thanh Maria về các bài đọc Thánh Kinh nhân dịp Lễ Thánh Gioan Tẩy Giải bị xử trảm. Lại nghe nhắc đến lời khuyên: hãy khiêm nhường.

Hmm...tạm ghi dữ liệu lại đây. Có dịp sẽ xử lý tiếp.
Chia Sẻ:

Saint Thomas 2016

Sau một năm không liên lạc, Chúa Nhật vừa rồi, cám ơn lời mời của Th. con gái lớn của ông, tôi chạy xuống Saint Thomas thăm Chú Hồng nhân dịp cô chú tổ chức buổi đọc kinh cầu nguyện tại tư gia.

Cảm tưởng của tôi từ buổi đọc kinh là: Chúa Thánh Thần đang ngự trị trong gia đình này. Gia đình chú cũng vác nặng cây thập giá như tất cả các con cái Chúa. Nhưng hễ được tràn đầy ân sủng của Chúa ban, thì không quyền lực ma quỷ nào có thể phá vở gia đình ấy được.

Cách một năm không liên lạc là vì chú giận tôi, và vì tôi không buồn giải thích. Chuyến đi lần này chứng minh rằng chú có tấm lòng rộng lượng và tha thứ. Chắc Chúa tôi đang hài lòng về chú. Một trong những lý do khiến tôi nghĩ rằng: gia đình chú đang được Thánh Gia bảo trợ. Đáng mừng thay!

Chia Sẻ:

Hồi ký Cắm trại Sauble Falls

Tuần vừa rồi, gia đình tôi,  tháp tùng với mấy đứa em, làm một chuyến cắm trại 3 ngày, 2 đêm, xuống Sauble Falls.

Sauble Falls Provincial Park cách bãi tắm Sauble Beach khoảng 5 phút lái xe, khoảng 200km từ Toronto hướng Tây Bắc. Cảnh thiên ở đây thật mắt mẻ, đúng là một nơi để gia đình thư giản. 

Chúa Nhật, ngày đầu tiên thật đáng tiếc,  chúng tôi đến địa điểm trại khoảng 5 giờ chiều. Vừa dựng lều xong thì trời mưa. Nên chỉ có thể khúm núm trong túp lều che, đốt lửa trại sưởi ấm, và dùng bữa tối.

Ngày thứ hai, trời tiếp tục âm u. Chỉ đi bộ ngắm cảnh, rồi về ăn trưa. Tôi,  do thức khuya đêm trước, nên ăn xong thì đừ người, bèn về lều nằm lăn ra ngủ một giấc.


Ngày thứ ba, trời mới ấm áp trở lại, kịp lúc để chúng tôi kéo nhau ra bãi tắm cho tụi nhỏ vọc nước. Tiểu Độc Khách nhà tôi 8 tuổi. Tôi nhìn cậu ta,  cố theo mấy đứa em lớn hơn nó gấp đôi tuổi để ra xa đùa với sóng, mà lòng tôi e ngại.



Trong lúc anh hai chơi nước, thì hai em chơi cát:

Chơi nước xong thì rủ nhau chơi đĩa bay (Frisbee), rồi đá banh, ăn trưa, vọc nước tiếp. Rồi về.

Tóm lại, chuyến cắm trại đầu tiên của tiểu gia đình tôi,  có vui, cũng có buồn. Chuyện buồn là cơ hội cho Lòng Chúa Thương Xót (Divine Mercy) được sáng danh. Nhưng thôi, chắc để khi khác hãy chiêm niệm về đề tài đó đi nhé. Tạm biệt.
Chia Sẻ:

Đi nắng về mưa

Ngày hôm qua, sáng đạp xe đi làm thì trời nắng chan chan, vào tới công ty thì mồ hôi đầm đìa. Chiều về, vừa lấy xe đạp ra thì trời trở gió có dấu hiệu mưa. Khoái chí, vì hôm nay lại có dịp "đi mưa".


Đi được một đoạn thì trời hết mưa, tôi được nhắc nhở đến dấu hiệu của Lòng Chúa Thương Xót:

Cây cầu vòng này lần đầu tiên xuất hiện ngày xưa, ngay sau cơn Đại Hồng Thủy.

Cho dù tôi có hư nát đến độ nào, dụ ngôn Người Samari Nhân Lành vừa được Hội Thánh kể lại hồi Chúa Nhật vừa qua, và những bài đọc Thánh Kinh hằng ngày suốt trong tuần nay, là bằng chứng từ miệng của Thiên Chúa, rằng Ngài sẽ không bao giờ từ bỏ tôi. Anh chàng rời bỏ Thành Jerusalem đi xuống Jericho (đi ngược đường) dễ có thể là tôi. Thế nhưng khi hệ quả của tội lỗi làm cho tôi dở sống dở chết, Ngài vẫn băng bó, và sai người giúp việc của Ngài chăm sóc cho tôi cho đến khi Ngài trở lại.

Vậy thì, việc đền ơn duy nhất tôi cần làm khi tôi đã được phục hồi, là tôi phải trở thành người giữ quán trọ nọ, phải trở thành người Samari kia.
Chia Sẻ:

Mở khóa

Chiều qua ra về, mở khóa xe đạp không được vì mã số, bởi nguyên do nào đó, đã xê dịch. Ngồi mò nửa tiếng đồng hồ. Cuối cùng cũng tự mò ra.

Mừng.

Mừng xong rồi sợ.

Sợ xong rồi tạ ơn Lòng Thương Xót Chúa, vì lâu nay mình dễ bị mất cắp xe đạp đến như vậy, mà vẫn vô sự cho đến ngày hôm nay. Bởi nếu mình mò được, thì người khác cũng mò được.

Thế thì thay ổ khóa khác thôi.
Chia Sẻ:

Vừa thoát qua mùa dị ứng 2016

Khuôn mặt bị dị ứng hoành hành.
Trong mấy tuần dẫn vào Mùa Hạ, nhà tôi lại được Dị Ứng lão gia đến viếng thăm, mỗi sáng chưa thức dậy thì nước mũi đã rò rĩ. Sáng thức dậy rồi thì hắt xì hơi như điên. Chiều tối đến thì mắt ngứa như khùng. Có hôm chịu không nổi, tôi phải nốc vào bụng một viên Claritin thì mới yên thân. Cũng có thử qua vài ly trà xanh ấm, vì nghe đâu nó cũng giúp khắc phục chứng dị ứng. Hôm nay đã bớt hẳn. Có thể do đạp xe ngoài đường, hít đủ bụi cát và phấn hoa, nên giờ đã thích nghi.

Hôm nọ chiếc xe đạp của tôi bị trượt dây sên--do sên lỏng--nên phải bỏ tiệm thay dây sên mới, nghỉ đạp xe đi làm 1 tuần. Sẵn dịp thay luôn luôn bộ thắng đã bị mòn, và chỉnh lại bộ đề phía trước (front derailleur) từ lâu đã bị kẹt không chuyển được qua vòng đĩa lớn nhất. Tổng cộng tiền tu sửa: $100. Kết quả, đạt đến tốc độ cao nhất là 48km/h, so với trước kia là 40km/h.


Còn nhớ mấy tháng trước, tôi có chụp cảnh rừng cây trơ trụi do mức tàn phá của lão Đông Tà:
Hình chụp ngày 19 tháng 4 năm 2016.
Tuần rồi có dư chút thời giờ trên đường đi, nên tôi ngừng lại đoạn đường này, chụp một tấm hình để ghi lại sự hồi sinh do nàng Xuân mang đến:
Hình chụp ngày 29 tháng 6 năm 2016.
Hôm nay, nhân dịp nghỉ lễ Quốc Khánh Canada, mẫu thân tôi đưa mấy đứa cháu tới chơi. Trưa cho bọn nhỏ chơi với nhau trong nhà và xem phim. Chiều ra Ảo Ba Từ sau nhà bơi một phát trong nước mát 26°C. Bơi xong thì kéo nhau ra nhà hàng buffet gần nhà để ăn tối. Lười đi đây đi đó, cho nên mừng sinh nhật thứ 149 của Xứ Rừng Phong năm nay như thế tạm gọi là ổn đi thôi nhé!
Chia Sẻ:

Kiêng thịt Thứ Sáu ngoài Mùa chay

Hôm nay hai cha con đi xưng tội. Sẵn dịp hỏi Cha về việc kiêng thịt mỗi Thứ Sáu ngoài Mùa Chay. Cha trả lời là khỏi, miễn là mình thay thế nó bằng một việc làm bác ái.

Mỗi Thứ Sáu, quanh năm ngoại trừ mùa Phục Sinh, lúc ba giờ chiều, trân trọng giờ Chúa tử nạn để nhớ Ơn Cứu Chuộc.
Chia Sẻ:

Về sự khiếp sợ

Mỗi lần nghe tin có vụ xả súng giết người hàng loạt thì tay chân tôi bủn rủn. Gần nhất trước đây thì là vụ ở Paris, và bây giờ thì là vụ ở Orlando. Đối diện với bạo lực, đôi khi người ta có cảm giác tê liệt vì quá khiếp sợ.

Hình: Hoa Lưu ly (forget-me-nots), tưởng nhớ người nằm xuống
Giả dụ trong trường hợp đó, nếu là tôi, thì tôi sẽ phản ứng ra sao? Phải làm sao để nhanh chóng làm tê liệt địch thủ trước khi hắn nả đạn tiểu liên lên khắp người tôi và những người chung quanh tôi? Trong đầu tôi nảy sinh ra bao nhiêu kịch bản có thể diễn ra, bao nhiêu cách phản ứng, và những kết cuộc của chúng.

Trong đầu tôi, không có kịch bản nào dẫn đến kết quả tốt đẹp cả.

Xét theo thống kê, năm 2015 Hoa Kỳ đã có 330 vụ giết người hàng loạt bằng súng ống.  Có lẽ rồi thì ở các chốn học đường, người ta sẽ cần phải mở các lớp ở dạng "How to Stay Safe If You're Caught in a Mass Shooting", hoặc "How to Survive a School or Workplace Shooting", thì chắc sẽ có hữu ích.

Đọc Tin Mừng sáng nay, thấy Chúa Thượng tôi dạy gì trong những tình huống này?
Anh em đã nghe bảo rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng. Còn Thầy, Thầy bảo các anh em: đừng chống cự lại người ác; nhưng nếu ai vả má phải của anh em, thì hãy giơ má kia nữa; và kẻ muốn kiện anh em để đoạt áo lót, thì hãy bỏ áo choàng cho họ nốt; và ai bắt anh em làm phu đi một dặm, thì hãy đi với họ hai dặm. Ai xin, thì hãy cho; người muốn vay, anh em chớ khước từ.
Anh em đã nghe bảo: Hãy mến yêu thân nhân và hãy ghét địch thù. Còn Thầy, Thầy bảo cùng anh em: hãy mến yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những người bắt bớ các anh em; ngõ hầu cho anh em trở nên những người con của Cha các anh em trên trời, vì Người cho mặt trời mọc lên trên kẻ dữ và người lành, và làm mưa trên người ngay và kẻ ác. Vì nếu anh em mến yêu những kẻ yêu mến mình, thì anh em có công gì? Há những người thu thuế cũng không làm thế sao? Và nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình, thì anh em có làm gì lạ đâu? Há người ngoại cũng không làm thế sao? Vậy anh em hãy nên trọn lành, như Cha của các anh em trên trời là Ðấng trọn lành. (Mt 5:38-48)
Hmm...Đừng chống cự lại kẻ làm ác. Trên thập tự giá, Chúa tôi đã thực thi điều dạy ấy. Nếu tôi khá nhớ điều này, tôi sẽ vượt qua nỗi khiếp sợ. Vượt qua nỗi khiếp sợ của chính mình thì mới có thể hành động để cứu người.
Chia Sẻ:

Học yêu thương trên từng chặn đường đời

Dạo này tôi thường nghe đài phát thanh Ave Maria Radio,  hằng ngày trong lúc đạp xe đi làm, và thỉnh thoảng cuối tuần trong lúc đưa sắp nhỏ đi học piano và Việt ngữ. Tôi thích tất cả các chương trình được phát thanh trên đài này, nhưng có hai chương trình tôi thích nhất đó là Christ is the Answer Putting on the Mind of Christ.

Sáng Thứ Bảy vừa rồi, tình cờ nghe được tiết muc "Hỏi Đức Giáo hoàng Phanxicô" của chương trình Power from The Pews, nghe được những câu hỏi hóc búa mà các em thiếu nhi khắp nơi đã gửi cho Đức Thánh Cha. Tôi thích câu này nhất: một em 8 tuổi ở Canada hỏi Ngài rằng, "trước khi trái đất được tạo thành,  thì Thiên Chúa làm gì?" Câu trả lời của Đức Thánh Cha đơn giản mà sâu sắc, đủ để các em suy ngẫm cho đến già: Thiên Chúa là tình yêu, cho nên trước khi Thiên Chúa tạo nên bất cứ vật gì,  thì Ngài yêu. Và như thế, nếu tôi muốn giống Thiên Chúa (mà hễ là con cái của Chúa thì phải giống Chúa),  thì tôi cũng phải biết yêu mến những gì Chúa đã tạo nên. "Yêu" ở đây không phải là một cảm giác, mà là một ý chí, nảy sinh ra hành động.

Cuối tuần rồi, tôi đi mua một cái mũ bảo hiểm mới để tiện lắp máy quay (điện thoại di động) trên đầu mũ. Lắp máy quay vào tay cầm xe đạp, như kỳ trước, hình bị rung quá.

Dưới đây là hai đoạn vi-đi-ô quay lúc sáng đi, và chiều về. Đoạn đầu có lồng âm thanh từ chương Food for the Journey tôi nghe khi đạp xe. Đoạn thứ hai là chương trình Power from The Pews được nghe hôm Thứ Bảy vừa rồi.

Và dưới đây là một cảnh lấy từ trong đoạn video buổi chiều. Không hiểu sao tấm hình này khiến tôi liên tưởng về Chúa Ba Ngôi. Khách qua đường nhìn thấy tôi như thế này thì chắc sẽ liên tưởng tới ... quái vật. :-)


Chia Sẻ:

Khai mở Ảo Ba Từ Hè 2016

Hôm nghỉ Lễ Nữ Hoàng (Victoria Day) vừa rồi, trời nắng ấm, tôi bắt đầu mở tấm che Ảo Ba Từ và tiến hành thủ tục thanh tẩy nước ao. Mặc dầu trong nước đã có sẵn chất khử rêu tảo, qua một Mùa Đông dài giá lạnh, nước ao đã bị khá bẩn:
Sau một tuần khử và lọc, thì nước ao đã xanh như xưa:

Tôi trải tấm che nắng trên mặt ao để giúp tăng độ ấm của nước:
Sau một ngày nắng ấm, chiều đến thì thấy nhiệt độ của nước đã lên đến 28ºC:

Ngày đầu tiên của Mùa Hè năm nay ở Bắc Mỹ sẽ là ngày 20 tháng 6. Thực sự, Mùa Hè đã đến từ hôm Victoria Day.

Chia Sẻ:

Xoài (2)

Sáng Chúa Nhật hôm nay, đi dự Thánh Lễ tiếng Anh, lần đầu tiên tôi cho mấy cháu tham dự chương trình Phụng Vụ Lời Chúa dành cho Thiếu Nhi. Anh hai và chị ba bảo thích. Còn Xoài thì lúc đầu bị chán, đòi về, nhưng đến tiết mục tô màu thì bé tập trung trở lại.

Thứ Bảy hôm qua, Anh Hai và Chị Ba có tiệc cuối năm học ở Trường Việt Ngữ. Xoài tiện dịp, đại náo lớp học trong lúc anh chị bận diễn văn nghệ ngoài hội trường:

Chia Sẻ:

Tóm lược cuối tuần Corpus Christi 2016

Tuần vừa rồi Việt Nam đã lên cơn sốt Obama khi vị tổng thống của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ này viếng thăm. Theo dõi trên mạng xã hội Facebook, tôi để ý thấy hầu hết người Việt, trong và ngoài nước, trong đó có không ít người Công Giáo, đều mến mộ--nếu không muốn nói là thần tượng--ông Obama. Có lẽ những người Công Giáo trong con số người ngưỡng mộ này không biết rằng kể từ năm 2012, qua cái được gọi là "chỉ thị ngừa thai" (contraceptive mandate), chính quyền Obama đã và đang đàn áp Hội Thánh tại Hoa Kỳ không kém gì sự đàn áp đối với Hội Thánh tại Việt Nam. Đến nỗi Đức Cố Hồng Y Francis George của Chicago đã phải thốt lên một câu:
"Tôi sẽ chết trên giường, nhưng vị giám mục kế nhiệm tôi sẽ chết trong tù, và người kế nhiệm của ông ấy sẽ tử vì đạo ngoài công trường...
(I expect to die in bed, my successor will die in prison and his successor will die a martyr in the public square. His successor will pick up the shards of a ruined society and slowly help rebuild civilization, as the church has done so often in human history.)"
Hôm Thứ Sáu, tôi cao hứng quay lại một đoạn video đường đạp xe đi làm. Dưới đây là chiến lợi phẩm:
Cuối tuần vừa rồi là Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô. Đi dâng Thánh Lễ chiều Thứ Bảy tại giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam ở Toronto, nghe Cha Tập hỏi và trả lời: chúng ta đi dự Thánh Lễ để làm gì? Để giao hòa với Thiên Chúa, qua sự nhận lãnh Mình và Máu Chúa Kitô vào người mình. Lời giải thích này thậy ý nghĩa, vì từ "giao hòa" vừa có ý nghĩa hòa giải giữa tôi là một tội nhân trước mặt Thiên Chúa, vừa hòa đồng con người tôi trở nên một với Chúa Kitô.

Dự Lễ xong thì trực chỉ xuống Guelph dự tiệc sinh nhật thứ 85 và chúc lành cho nhạc mẫu của Lão Tam. Tôi đến trễ nên không trực tiếp tham dự nghi thức tụng niệm theo tập tục Phật Giáo gốc Lào, nhưng xem đoạn video, thấy các con cháu, dâu, rễ, vây quanh bà, liên kết với nhau bằng một sợi chỉ. Thấy có gì đó hay hay. Khiến tôi liên tưởng đến bên đạo mình, trong nghi thức Truyền Chức Thánh, các linh mục và giám mục đặt tay trên vai hoặc trên đầu người được nhậm chức.
Chia Sẻ:

Nhớ Bà Nội

Đêm nay nhớ Bà Nội. Mỗi lần con bị bệnh, mình đắp nước lạnh cho hạ nhiệt, và ngồi canh chừng, vuốt ve cho con ngủ, là mỗi lần tôi nhớ đến Bà, đã một thời Bà làm những việc đó cho tôi.
Chia Sẻ:

Tam Vị Nhất Thể

Chúa Nhật tuần trước là Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, năm mươi ngày sau khi Chúa Giêsu vượt qua sự chết, cũng là kỷ niệm ngày sinh của Hội Thánh.

Chúa Nhật qua là Lễ Chúa Ba Ngôi - một Thiên Chúa trong ba nhân vị.  Trong Kinh Cựu Ước, Tiên Tri Isa-i-a có chép lại Lời Chúa phán với dân Do Thái: 
"Chính ta là Đức Chúa, không ai khác nữa; ngoài ta ra, không có thần linh." (Isaiah 45:5). 
Như thế, thử hình dung sự ngạc nhiên của họ (người Do Thái) khi Chúa Giêsu đứng trước mặt họ và phán: 
"Ta nói thật cùng các người, trước khi Áp-ra-ham được sinh thành, TA LÀ." (Gioan 8:58)
Đấng TA LÀ (I AM) là đấng đã đối thoại với Môi-se từ trong bụi gai rực cháy.

Cũng như hình dung sự ngạc nhiên của các thánh tông đồ khi Chúa Giêsu mặc khải: "Ta và Cha là một" (Gioan 10:30). Và sau đó, Chúa Giêsu mặc khải về Ngôi Ba cho các sứ đồ:
"Ta còn nhiều điều để nói với các anh em, nhưng hiện giờ anh em không chịu nổi. Nhưng khi đấng ấy đến, là Thần Khí của Sự Thật, Ngài sẽ dẫn đưa anh em vào toàn diện sự thật." (Gioan 16:12-13)
Và như thế trong 2000 năm qua, Ngôi Ba của Thiên Chúa, Thần Khí của Đức Chúa Cha và của Chúa Giêsu, đã và đang hiện diện và hoạt động trong Hội Thánh ở trần gian. Quả thật, Ngài đã "không để cho chúng con bị mồ côi" như Ngài đã hứa (Gioan 14:18).

Ba Ngôi Thiên Chúa hiệp nhất hoàn hảo đến độ ở đâu có một, thì ở đấy có ba: khi Chúa Giêsu nhập thể giáng trần, khi Chúa Giêsu chịu Phép Rửa, khi Chúa Giêsu bị đóng đinh trên thập giá. Và, khi Chúa Giêsu thập thể vào miếng bánh men?

Hôm nọ tôi xem một đoạn video ngắn với quan điểm táo bạo mà tôi thấy rất hữu lý, rằng: tin và theo Chúa Giêsu thôi vẫn chưa đủ, người đồ đệ của Đức Kitô cần có sự trợ sức bởi Chúa Thánh Thần. Nhìn vào thái độ các sứ đồ của Chúa Giêsu trước và sau khi Chúa Thánh Thần ngự đến trên người họ, thì ta có thể thấy rằng quan điểm này cũng không mấy gì táo bạo. Nếu tôi có thờ ơ với tinh thần sống đạo trong đời này, thì có lẽ đó là vì tôi thờ ơ với Chúa Thánh Thần vốn đã ngự đến trong tôi một cách cụ thể khi tôi lãnh nhận Bí Tích Thánh Tẩy và Bí Tích Thêm Sức.

Ảnh: Suy tôn Chúa Ba Ngôi của Albrecht Dürer.

Chia Sẻ:

Ngắm cảnh công viên Kariya

Chiều nay trên đường đạp xe về, tôi tranh thủ ghé công viên Kariya để coi hoa Đào đã nở chưa. Dưới đây là kết quả ...

Cây Anh Đào trước cổng vào, nằm ở hướng Đông của công viên.

Căn chòi đôi, tượng trưng cho hai thành phố, nhìn về hướng Đông Bắc.

Chuông Đồng Hữu Nghị, biểu hiện tình bạn giữa hai thành phố Kariya (Nhật Bản) và Mississauga (Canada).

Ao Rùa, nằm ở hướng Nam.

Tượng đá: hai em thiếu nhi.

Chia Sẻ:

Về khuya

Đêm nay tôi đi làm về khuya, ra khỏi văn phòng thì đã gần nửa đêm. Quất ngựa sắt phóng nước đại trên đường phố vắng ngoe, giữa khí trời đêm mùa Xuân 6°C, tôi thoáng nghĩ về ông sếp giám đốc công nghệ của tôi hồi khoảng năm 2000, khi còn làm ở tòa  nhà trên đường Lakeshore, đối diện Sherway Gardens. Ông đạp xe đạp đi làm, và cũng hay về khuya giống như tôi hôm nay.

Hôm qua các tiểu tử và Mẹ chúng nó đến chỗ tôi làm để rước tôi đi ăn tối, nên tôi tạm để xe đạp qua đêm trong công ty. Sáng nay đi làm bằng xe buýt. Có thời gian, nên tôi ghé vào Nhà Thờ dâng Thánh Lễ ban sáng. Vừa lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể đó, tan Lễ, vừa bước ra đường thì đã vấp phải một tội. Ngồi trong chòi đợi xe mà mình thất vọng với mình ghê.

Đi xe đạp dễ có cơ hội cho tôi suy tư về nhiều thứ. Cơ hội này không đến nếu tôi đi xe hơi hay xe buýt. Dòng suy tư dẫn đến sự biết ơn.  Cảm tạ Ơn Trên vì những gì tôi có được.
Chia Sẻ:

Mộc Lan

Thêm dấu hiệu của mùa xuân, tuần rồi cây Mộc Lan (Magnolia)  trước nhà tôi đã trổ bông:
Hình chụp chiều Chúa Nhật 24/6 @ 6:27pm khi quét dọn lá cây.
Mộc Lan là một loài hoa lâu đời, đã tồn tại trên mặt đất ít nhất là hai mươi triệu năm về trước.

Mộc Lan là biểu tượng cho lòng yêu mến thiên nhiên và cho sự kiên trì (perseverance). Thật là một sự trùng hợp thú vị vì trong các bài đọc Lời Chúa hôm nay và hôm Chúa Nhật vừa qua, Hội Thánh kể lại cùng một đoạn trong Sách Tông Đồ Công Vụ chương 14 nhắc nhớ chúng ta về sự kiên trì:
Các ông khích lệ tâm hồn các môn đồ, khuyên nhủ họ kiên vững trong lòng tin: "Vì chưng chúng ta phải trải qua nhiều gian khổ mới vào được nước Thiên Chúa. (Acts 14:22)
Rèn luyện tính kiên trì trong đức tin sẽ dẫn đưa chúng ta đến sự bình an trong tâm hồn, một loại bình an mà Chúa Giêsu nhắc đến trong bài Phúc Âm hôm nay:
Thầy để lại bình an cho các con; Thầy ban bình an của Thầy cho các con; Thầy ban cho các con không giống như thế gian ban cho;  Đừng để tâm các con trở nên xáo trộn hay sợ hãi. (Jn 14:27)
Bình an này chắc là Chúa Thánh Thần. Với Thánh Thần Chúa ngự trong tôi--đấy là điều chắc chắn, bởi vì qua Bí Tích Thánh Thể, Cha và Con và Thánh Thần ngự đến và trú ngụ trong người tôi--thì hệ quả tất nhiên là: sự bình an trong tâm hồn. Từ sự bình an đó, tôi có đủ ơn thánh để thực hành điều răn mới: các con hãy yêu thương nhau.

Hãy yêu thương nhau! Ôi, tôi cần phải ghi nhớ điều này biết bao. Hồn tôi ơi! Hãy biết kiên trì như hoa Mộc Lan. Hãy nhớ lời Thánh Phaolô dạy: "không phải là tôi sống, mà là [Chúa] đang sống trong tôi." Và khi tôi vấp ngã, hãy nhớ: Chúa thả cho tôi vấp ngã, để tôi cảm nghiệm được Lòng Thương Xót vô biên của Ngài.
Chia Sẻ:

Hòa cùng thiên nhiên

Mấy hôm trước, tôi đọc được bản tin trên mạng, bảo rằng những người sống gần thiên nhiên thì sẽ sống thọ hơn, làm mình thêm hăng hái. Hôm Thứ Năm tuần rồi tôi xách ngựa sắt, thay vì đi đường phố, thì mình đã đi ngã đường "rừng". Kết quả là có được mấy tấm hình cảnh đẹp ban mai mùa Xuân ở Canada này đây...

Hình leo qua cầu ...
Hình chui dưới cầu...
Hình leo lên "núi"...
Hình chạy bên bờ rạch...
Đoạn chạy...lạc đường. Chụp từ địa đồ trong ứng dụng Toronto Cycling cho Android.
Kết luận: đi đường trường, vừa đi vừa ngừng để chụp hình, mà còn đi lạc mất mấy phút, nhưng đến nơi chỉ có chậm hơn 7 phút so với đi đường phố.

Đề xuất: mình nên dùng tuyến đường này mỗi ngày. Ngoại trừ khi trời mưa. Vì chạy đường đất sẽ bị cát bùn bắn lên phía sau, bẩn ba lô mang sau lưng.
Chia Sẻ:

Khởi đầu mùa xe đạp 2016

Tuần này trời ấm, nên tôi hôm qua đã bắt đầu đạp xe đi làm. Năng suất của chuyến đi đầu tiên không đến nỗi tệ: 10km trong vòng 34 phút,  tốc độ trung bình 17.3km/h, nhanh nhất là 38.3km/h. Vào đến công ty vẫn còn đủ thời gian để tắm và thay đồ trước khi vào phiên họp hằng ngày 10h30. 
Hình 1: tự chụp sau khi lên dốc cao nhất của tuyến đường. Hình 2: dữ liệu của chuyến đi. Hình 3: cảnh cây trụi lá trên đường do bị mùa đông tàn phá, khoảng 1-2 tháng nữa sẽ phục hồi màu xanh tươi như xưa. 

Chia Sẻ:

Có nên đưa trẻ nhỏ đi lễ ngày Chúa Nhật?

Vừa đọc hai bài này trên dongten.net, thật đúng lúc: " nên đưa trẻ nhỏ đi lễ ngày Chúa Nhật?" và " cách nào để trẻ nhỏ ngoan ngoãn tham dự thánh lễ?" Bài đầu tiên có nhắc đến lời của Đức Thánh Cha Phanxicô:
“Tiếng khóc trẻ con là tiếng nói của Chúa, đừng đem các em ra khỏi nhà thờ!”
Chúa Nhật tuần rồi tôi đưa các cháu đi dâng Thánh Lễ 11 giờ. Giữa chừng thì bé Xoài, 2t, vùng vằng khó chịu và lớn tiếng trong tay Ba đang ẵm. May là dỗ một lát thì bé cũng chịu êm. Sau Lễ, một bác gái lớn tuổi đến cạnh tôi và nói: "Cảm ơn cậu đã đưa các cháu đến Nhà Thờ hôm nay." Ồ! một câu nói tôi đang cần được nghe.

Kinh nghiệm lần trước, tại một Nhà Thờ khác, không mấy gì tốt đẹp. Tôi đã bất trách,  dung túng cho các con giỡn cợt phía cuối Nhà Thờ trong lúc cử hành Thánh Lễ, nên bị một bác quản lý quát cho một câu: "ông không kiềm chế được chúng sao?" Tôi chầm chậm trả lời, "vâng, tôi xin lỗi", rồi kéo ba đứa ra ngoài hành lang (vestibule) đứng và tiếp tục dâng Lễ.

Bài chia sẻ trên dongten.net có đoạn này tôi thấy mình có thể áp dụng được:
Trong thánh lễ, chúng tôi thường tập cho các bé “bận rộn” hơn bằng cách đọc kinh lớn hơn. Cha mẹ để ý nhắc bé nhìn lên bàn thờ, tư thế đứng, ngồi, quỳ cũng là cách giúp các bé không rảnh rỗi để làm chuyện khác.
Gợi ý này làm tôi nãy ra một ý tưởng khác. Chắc tuần tới tôi sẽ thử in các mẫu bài đọc Kinh Thánh, có tranh vẽ, cho các con cùng theo dõi trong mục Phụng Vụ Lời Chúa, để chúng nó bớt phân tâm.

Hình: Thánh Lễ 5 giờ chiều tại nhà thờ Saint Cecilia, Toronto, 9/4/2016

Chia Sẻ:

Lòng Thương Xót của Thiên Chúa dạy ta điều gì về vai trò làm cha mẹ?

Sáng nay tôi thức dậy với phong cảnh đẹp mắt hiện ra phía sau Núi Độc Cô: mặc dù đã vào xuân, mẹ thiên nhiên đã ban cho thành phố một tấm thảm tuyết mỏng trải nhẹ trên khắp mặt đất và phủ trắng các thân cây. Hôm nay, Hội Thánh mừng ngày Đại Lễ Lòng Chúa Thương Xót, và cũng là dịp kỷ niệm 11 năm ngày Cha Thánh Gioan Phaolô II (JPII) về Trời. Trận tuyết này có thể gọi là trận tuyết của Lòng Chúa Thương Xót. Gợi nhớ lời ca:
Trời cao hãy đổ sương xuống!
Và ngàn mây hãy mưa Đấng chuộc tội.
Trời cao hãy đổ sương xuống!
Và ngàn mây hãy mưa đấng cứu đời.
Chiều hôm qua trong Thánh Lễ tại nhà thờ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Toronto, Cha Tập đã hỏi các em thiếu nhi: Các con có thể cho Cha biết những ví dụ nào trong Kinh Thánh có thể cho ta thấy được lòng Chúa xót thương chúng ta? Tôi nhắc khẽ vào tai Tiểu Độc Cô: Chúa thương xót chúng ta đến nỗi chúng ta giết chết Chúa mà Chúa vẫn yêu thương chúng ta. Tôi nhắc cậu con trai khi trong lòng tôi đang cảm nghiệm một bài học hôm Thứ Sáu vừa qua mà Chúa đang muốn dạy cho chính bản thân tôi, vì tôi đã không thực hiện được những điều tôi viết ở dưới đây.

Trong sinh hoạt gia đình, nhiều lúc con cái chúng nó sẽ ngỗ nghịch, không vâng lời, hoặc thậm chí cao ngạo, có cử chỉ hoặc lời nói xúc phạm đến cha mẹ chúng nó. Trong những lúc này là những lúc bậc cha mẹ cần phải giữ bình tĩnh để răn dạy con một cách sáng suốt.

Mấy hôm trước tôi vừa coi được một đoạn video về một người phụ nữ, trong cơn giận dữ, đã đánh đập túi bụi một cậu bé chắc độ chừng mới hai tuổi đời. Đánh con như thế thì chẳng còn gì có thể gọi là dạy cho con nó biết khôn, nhưng xác suất cao hơn là họ đánh đập, hoặc chữi rủa, để thỏa mãn một cơn lửa giận đang bừng bừng rực cháy trong lòng họ.

Là một người nóng tính, tôi rùng mình khi hình dung ra người trong đoạn video kia dễ có thể là tôi, mặc dù tôi thương các con tôi vô cùng. Không đâu! Đó tuyệt nhiên không phải là cách dạy con của một người có đạo. Mỗi khi con cái chúng xúc phạm đến tôi là khi chúng gây cho tôi một vết thương. Trong những lúc đó, tôi cần thiết cho chúng nó biết rằng tôi không hài lòng với chúng nó. Nhưng quan trọng hơn sau đó, là tôi cho chúng nó biết rằng dù chúng nó có vấp phải lỗi lầm thế nào đi nữa, ngay cả khi chúng gây hại đến tôi, thì tôi vẫn thương yêu, không bao giờ để chúng nó có cảm giác bị ruồng bỏ. Tôi phải làm như thế vì Cha tôi ở trên Trời đã làm như vậy đối với tôi. Vì mỗi lần tôi phạm tội, là khi tôi gây đớn đau cho Chúa tôi, là khi tôi đóng đinh Ngài vào cây thập giá thêm một lần nữa. Để rồi sau bao nhiêu lần, Ngài vẫn ôm chầm tôi trong Bí Tích Hòa Giải, để tha thứ, và để ban sức mạnh cho tôi tiếp tục cuộc hành trình. Thánh Phaolô đã nhắc nhở: Không phải là tôi sống, mà là Chúa Kitô đang sống trong tôi. Tôi nên khéo hành xử sao cho câu nói ấy luôn được thực hiện trên con người tôi. Đây là hạt giống đức tin mà tôi có thể để lại cho con cái mình về sau.
Chia Sẻ:

Sau sự chết là sự sống lại

Ngày Thứ Ba, sau Phục Sinh: Sáng nay tự nhiên thức dậy sớm. Đưa anh chị đến trường xong thì còn thì giờ, bèn ghé Nhà Thờ, trên đường đi làm,  dự Thánh Lễ buổi sáng ngày thường. Thật là một ân huệ hiếm hoi cho tôi. Có thể gọi nó là một thời điểm hồi xuân,  một sự sống lại của đức tin.

Sáng Thứ Hai sau Phục Sinh: Tôi tản bộ ra bến xe buýt.  Trời vẫn âm u, nhưng không khí ban mai mát dễ chịu, có tiếng chim hót trên cành cây, dấu hiệu tưởng chừng như Mùa Xuân đã đến trên Bắc Mỹ (mặc dầu trên hình thức, Mùa Xuân đã đến hơn một tuần rồi). Hôm nay các em học trò còn được nghỉ Lễ Phục Sinh, nên đường xá vắng những chuyến xe trường học, không ồn ào như một ngày thường. 

Chiều Chúa Nhật, trên đường về từ chuyến đi dự tiệc sinh nhật thứ 16 của cháu J, trực thẳng đến nhà thờ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Toronto để dự Thánh Lễ Phục Sinh 16h00, nhưng giữa đường bị kẹt xe. Thế là trễ Lễ. Ngồi trên xa lộ trong hoàn cảnh nhích từng đoạn đường với tốc độ 15km/h, tôi thoáng trải nghiệm được tâm tình của các thánh tông đồ vào ngày Thứ Bảy Tuần Thánh của năm xưa: một cảm giác bất lực. Tôi lấy lại sự bình an khi nhớ rằng: mọi việc đều nằm trong quyền điều khiển của Thiên Chúa.

Ngày Lễ Phục Sinh năm nay chứng kiến nhiều sự tàn ác của quỷ thần đối với Hội Thánh. Tại thành phố Lahore, Pakistan, một người mang bom tự sát giết chết hơn 70 người . Hai hôm trước đó, một người khác đã hành động tương tự tại Iskandariyah,  Iraq, sát hại hơn 40 nạn nhân. Vài ngày trước đó tại Brussels (Bỉ quốc), 35 người tử vong....(nguồn: tờ Washington Post).

Sự dữ khiến nhiều người xa rời Chúa. Riêng đối với tôi, và với nhiều người khác, nó càng thúc giục tôi lê lết xác thân tội lỗi của mình đến gần hơn,  để xin Ơn thứ tha. Dẫu biết rằng, một kẻ tội lỗi mà tiến gần đến nhan thánh, thì sẽ bị hào quang ấy tiêu diệt, huống hồ chi là lãnh nhận Thánh Thể ấy vào mình. Thực tại tôi không bị hề hấn gì, nói lên lòng thương xót vô bờ của Đấng Chí Thánh, hơn là sự thánh thiện của bản thân tôi.


Chia Sẻ:

Và ngày thứ bảy Thiên Chúa nghỉ ngơi

Sáng sớm hôm Thứ Năm tuần trước, lúc khoảng 8h00, thấy cảnh bình minh đẹp, nên tôi chạy ra sau nhà chụp một tấm hình:

Hôm nay, đã hơn 9h30 sáng, mà vẫn chưa thấy bóng mặt trời:

Ngày này hơn hai ngàn năm về trước trong lịch sử nhân loại, Ông Trời vẫn còn đang chết. Đấy là ngày thứ hai Ngài trong tình trạng "chết".

"Chết" là gì? Ông Trời có thể chết được chăng?

Tôi nghĩ, "chết" là một sự tách rời tàn bạo giữa linh hồn và thể xác. Sự kiện ấy được tiếp theo bằng sự phân hủy của thể xác, khiến giữa hai không bao giờ kết hợp lại được nữa.

Chết là hệ quả tự nhiên của tội lỗi. Và xác phàm đã bị tổn thương bởi tội tổ tông. Như vậy, đã có một thời, loài người đã bất tử.

Vậy Ông Trời, đấng đầy quyền uy, tạo nên vũ trụ, có thể chết được sao? Và Đức Giêsu, là Ông Trời Con, không hề vấp tội, thì làm sao có "tử huyệt" để bị giết?

Câu trả lời, tôi nghĩ, là Ngài không phải bị bức tử. Ngài không bị giết, nhưng là Ngài tình nguyện chịu chết. Và dĩ nhiên, trong nhân tính của Ngài, trải nghiệm cái chết dã man nhất của thời bấy giờ, phải là một đau đớn tột cùng. Cho nên, phúc cho tôi, vì tôi có một Thiên Chúa thấu cảm được với từng sự đau khổ trong đời tôi.

Tôi chết vì những tội lỗi mà tôi vấp phạm. Thân xác tôi tuy vẫn đang sống nhưng linh hồn tôi đã chết mà không hay biết. Tôi sống trong khổ đau vì những hệ lụy tôi đã làm ra, nhưng tôi cứ đổ lỗi cho người khác. Thế nhưng, phúc cho tôi, vì Ngài vẫn theo tôi vào cõi chết để gọi tôi về.

"Chết" dường như là một sự tàn bạo lâu dài.  Ngày Thứ Bảy Tuần Thánh đầu tiên năm xưa, Thánh Mẫu và các thánh tông đồ đã hoang mang đến tê liệt. Họ không hiểu vì sao vị Cứu Tinh của họ lại phải chết. Họ không biết việc gì nữa sẽ xãy đến. Nhưng họ biết phó thác vào Thiên Chúa. Cũng như tôi, khi tôi trải nghiệm sự đau khổ, tôi không hiểu vì sao sự bất hạnh lại ập đến trên tôi. Tôi ao ước sự khốn khổ ấy hãy qua đi cho mau. Nhưng tôi nên nhớ rằng, Thiên Chúa là đấng làm chủ mọi sự việc. Và khi Ngài cho phép sự khốn khổ xảy đến trên tôi, thì Ngài cũng ban Ơn Thánh để cho tôi đủ sức để vượt qua. Với bao sự run sợ, tôi mong mình mãi mãi khắc ghi những điều này.



Chia Sẻ:

Sự việc đã được hoàn tất: suy niệm về mầu nhiệm Chúa tử nạn

Tòa Giài Tội, Thánh đường GXCTTĐVN Toronto
Trong các bài đọc Phụng Vụ cho Thứ Sáu Tuần Thánh hôm qua, tôi đặc biết chú ý đến nhiều đoạn.
Ví dụ như, Tiên Tri I-sa-i-a đã tiên báo thế này về cuộc tử nạn của Đấng Cứu Thế:
Sự thật, chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta, còn chúng ta, chúng ta lại tưởng người bị phạt, bị Thiên Chúa giáng họa, phải nhục nhã ê chề. Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành. (Isaiah 53, 4-5)
Đang dọn mình để xưng tội mà nghe đoạn này thì phải khóc thôi!

Tiếp theo đó, khi người Do Thái đến để bắt Ngài, Ngài hỏi họ: "Các ông tìm ai?" Thì họ bảo, "Tìm Giêsu người Na-da-rét." Và khi Ngài đáp rằng, "Ta là [người ấy]" (bản gốc Hy Lạp: ego eimi), họ giật lùi lại phía sau và ngã nhào xuống đất.  Kỳ lạ nhỉ!  Tại sao họ lại quì xuống đất? Phải chăng họ vừa nghe thốt lên một danh hiệu vốn không thể thốt lên, mà họ đã nghe phát ra trong bụi gai bừng cháy: TA LÀ ĐẤNG TA LÀ (ego eimi ho on, bản gốc tiếng Do Thái: ehyeh asher ehyeh).

Kế đến, lại nghe người Do Thái hét lên câu này:
Chúng tôi có Lề Luật; và chiếu theo Lề Luật, thì nó phải chết, vì nó đã xưng mình là Con Thiên Chúa. (Gioan 19, 7)
À, họ biết về Con Một của Thiên Chúa, vì Mai-sen đã viết về Ngài trong Sách I-sa-i-a và Sách Xuất Hành. Nhưng họ không bao giờ tưởng tượng được Đấng ấy lại là một con người mọn hèn đang đứng trước mặt họ đây. Con tôi thì sao?  Tôi có ảo tưởng hão huyền nào về Thiên Chúa mà tôi đang thờ phượng hay không? Mặt khác, tôi có sẵn lòng làm chự́ng về Ngài cho đến chết hay không?
Ngày ấy sẽ đến khi những kẻ sát hại các con lại nhầm tưởng rằng làm thế là tôn thờ Thiên Chúa. (Ga 16,2)
Và sau hết, tôi chú ý đến câu thốt lên của Chúa Giêsu trước khi trút hơi thở cuối cùng: "Sự việc đã được hoàn tất" (Ga 19,30). Câu này trong bản gốc Hy Lạp, thánh Gioan ghi là tetelestai ([việc] đã xong), được thánh Giê-rôm dịch sang tiếng La Tinh là consummatum est ([việc] đã hoàn tất), tiếng Anh là it is consummated. Từ ngữ consummate này đáng chú ý, vì ta thường nghe nó dùng trong bối cảnh hôn nhân: "to consummate a marriage" có nghĩa là hoàn tất nghi thức hôn nhân bằng sự giao hợp giữa cặp vợ chồng. Thiên Chúa yêu thương loài người và ao ước kết hợp với loài người một cách mật thiết như một người chồng ao ước kết hợp với vợ mình, và sẵn sàng đi đến cõi chết để cứu lấy vợ mình ra khỏi tay kẻ hung ác.

Là đệ tử của Ngôi Lời, đây là con đường duy nhất tôi có thể chọn để hành sự. Vì Ngài đã dạy tôi, "Thầy ban cho anh em một điều răn mới, là anh em hãy thương yêu nhau, như Thầy đã yêu thương anh em." Nguyện xin Thánh Thần Chúa luôn cho con Ơn Thánh để kiện toàn điều răn ấy.✝️
Chia Sẻ:

Ý Kiến Bạn Đọc

Facebook

Nhãn

anh ngữ (1) ảo ba trì (10) apologia pro vita sua (3) ăn uống (2) bà nội (5) bạo lực (1) bảo quản xe ôtô (4) benedictxvi (3) bí tích thánh thể (8) canada (37) catholic (2) cầu nguyện (11) cbc (2) chết chóc (3) chính trị (6) chúa ba ngôi (24) chứng nhân giê-hô-va (3) CNE (2) covid-19 (10) cộng đồng (3) công giáo (134) công nghệ (6) cộng sản (2) công việc (24) cuba (1) cung tự phục hổ quyền (2) cuối tuần (6) dạy con (1) dị ứng (4) dịch thuật (1) du lịch (9) du lịch bằng xe (2) du ngoạn (9) dụ ngôn (1) đại hội giới trẻ (3) đạo (1) đêm tối tăm (5) đi công tác (3) độc cô cầu đạo (36) đời sống (5) english (4) francis-xavier nguyễn văn thuận (1) gãy xương (5) gia đình (79) giáng sinh (8) giáo lý (9) giao thông (5) giao tiếp (1) giới tính (4) gò công (6) grand bend (1) guelph (7) gương thánh nhân (10) hài hước (2) hành hương (1) hòa giải (1) hoa kỳ (5) hỏa ngục (3) hội hè (2) hội thánh (3) hồi tưởng (8) hôn nhân (7) humanae vitae (1) huntsville (2) hứa hẹn đầu năm (1) jpii (8) kế hoạch kungfu panda (1) khoa học (3) khổ đau (2) khủng bố (1) kinh doanh (5) kinh nguyện (3) kinh thánh (42) lectio divina (1) lễ tạ ơn (4) lễ tro (1) linh thao (1) linh tinh (4) lòng thương xót chúa (5) luật pháp (2) lumen fidei (1) máy vi tính (1) mầu nhiệm (1) memento mori (3) mê hồn trận (18) montreal (1) mùa chay (59) mùa đông (1) mùa hè (5) mùa vọng (3) mùa xuân (4) ngắm đàng ánh sáng (1) nghỉ xuân (1) ngôn ngữ (3) người việt khắp nơi (2) nhà cửa (4) nhật bản (3) nhật ký nghĩa vụ bồi thẩm đoàn (3) ontario (19) ottawa (2) phá thai (2) phật giáo (7) phép xã giao (1) phim (4) phục sinh (13) quê hương (2) rắn (2) rượu bia (3) Sauble Beach (1) sống đạo (3) st. thomas (canada) (13) summa theologica (1) suy ngẫm (57) sự sống (1) sức khoẻ (2) sức khỏe (10) tam nhật thánh (2) tâm lý (5) Tết (8) tháng tư đen (2) thành bại (1) thánh lễ (1) thánh mẫu (3) thần học thân xác (3) thể dục (1) thế giới (1) thị trường (1) thiên chúa giáo (27) thiên đàng (2) thiên nhiên (6) thiên tai (1) thiên văn (1) thời sự (41) thời tiết (20) thư giản (1) tin mừng (2) tình dục (3) tĩnh tâm (34) tình yêu (6) toronto (49) tổ tiên (6) tội (7) tôi là (24) tội tổ tông (7) tôn giáo (8) trầm tư (28) trung quốc (2) ttc (3) tuần hoàn (1) tuần thánh (5) vật lý (1) verbum domini (1) việt nam (14) viết trên iPod (21) vlog (4) võ học (2) vô thần (3) waterloo (3) wikileaks (2) xã hội (2) xe đạp (15) xưng tội (41) y học (2)

Bài Mới Nhất

Được Xem Nhiều Nhất

Người theo dõi

Lưu trữ Blog