Hồi tạm cư tị nạn ở Nhật Bản (1985-1986) tôi đã sống tại hai trại công giáo, một ở Kashiwazaki do Cha người Ý Leo Bassi trông quản, và một ở Karasuyama của cha người Mỹ gốc Canada Georges Cloutier. Khi ở trại của Cha Leo, tôi chưa vào đạo nên đã không biết nhiều về ngài, còn Cha Georges thì tôi rất gần. Cho đến khi nhập trại của Cha Georges thì tôi mới được Cha Hồng Kim Linh (nếu tôi nhớ không lầm) viếng thăm và rửa tội cho. Từ đó, tôi được tháp tùng với hai đứa con trai của bố Nguyễn Thời Thí, mỗi sáng lên nhà nguyện của Cha để đọc kinh ban sáng và sau đó được Cha chở bằng xe hơi (lần đầu tiên trong đời được đi “xe huê kỳ”) đến nhà dòng của các Sơ để giúp lễ. Có lần ông gọi tôi lên phòng làm việc của ông chơi, và gọi cơm phần cho ông và tôi cùng ăn trưa. Trong nhiều lần ông trò chuyện với tôi, tôi không còn nhớ ông đã nói/dạy tôi điều gì. Ấn tượng của tôi giờ này là có lẽ Cha truyền đạo qua việc làm hơn là qua lời nói.
Sau khi chúng tôi sang định cư tại Canada, phụ thân tôi vẫn giữ liên lạc với Cha. Hai lần đi nghỉ phép, cha đã viếng thăm chúng tôi (bấy giờ có 3 gia đình từ trại Cha định cư tại Toronto). Sau đó thì ngài về nghỉ hưu luôn tại nhà dòng Les Pères Franciscains (5750 boul Rosemont, Montréal), và gia đình tôi có lên thăm ông một lần.
Cha George (chúng tôi thường gọi ông như vậy) qua đời trong lúc tôi đang học năm cuối ở Waterloo.
Từ khi ra trường cho đến nay (đã hơn 13 năm), tôi chưa hề đi viếng mộ ông.
Trưa Thứ Năm tuần rồi khoảng 14h00 chiều, sau khi viếng Đền Thánh Giuse xong (Thánh Cả Giuse là thánh bổn mạng của tôi), tôi gọi điện đến nhà dòng Les Pères Franciscains (514-259-6911)--địa chỉ và số ĐT do phụ thân tôi cung cấp--để hỏi thăm về nơi an nghỉ của Cha George. Giọng một người nữ bên kia đường dây chỉ tôi đến nghĩa trang Le repos Francois d’Assise tại 6893 Sherbrooke Est, khu 4D. Tôi đến nơi, và những gì xảy ra tiếp theo có thể gọi là một trò cười hoặc là một giới thiệu thêm về sự ngu của tôi.
Tôi tìm mãi không ra khu 4D (thấy bảng đề khu 4A, 4B,…, nhưng không thấy để 4D), bèn vào văn phòng hỏi thăm, được bác đàn ông độ khoảng ngũ tuần, chỉ cho sơ đồ này (phần mộ của các cha dòng Phanxicô nằm đối diện với Nghĩa Trang Việt Nam). Tôi bèn quay trở ra, tìm ra tấm mộ bia, lội trên các bãi cỏ để đến gần tìm đọc tên Cha George, nhưng không thấy nấm mồ đâu cả. Quay trở lại văn phòng, tôi ngơ ngớ hỏi bác tiếp viên: “Tôi tìm ra tấm bia mộ chung, nhưng xác ngài đã được chôn cất ở đâu?” Và để trả lời, bác ta đưa cho tôi tấm họa đồ này. Thì ra người Tây phương lấp mộ bằng phẳng với mặt đất, không làm nấm mộ nhô nhố lên như người Á Đông mình. Phía dưới luống cỏ xanh tươi mà tôi đã giẫm lên, để đến gần đọc được tấm mộ bia, là một loạt xác chết đang yên nghỉ dưới đấy. Cha George được chôn tại ô số 618. Trở lại lần thứ hai, tôi đã không dám bước lên luống cỏ nữa mà chỉ ngồi quì bên mé cạnh đường Lyall mà cầu nguyện.