Giờ này thì cả thế giới đều biết tin về việc mạng WikiLeaks công bố các tài liệu mật của chính phủ Hoa Kỳ. Hiện tượng này gợi lên chút suy tưởng, có thể là nông cạn, về tai tiếng (scandal) trong lối cư xử giữa người và người.
Giáo Hội Công Giáo không cấm ăn đồ cúng, nhưng nếu ăn đồ cúng sẽ khiến cho người ngoài đạo nghĩ rằng người Công Giáo "thờ phượng" (hơn là "tưởng nhớ") người chết, thì nên tránh. Đạo Công Giáo không cấm tập thể dục Yoga, nhưng người Công Giáo có biết rằng tâm niệm của thiền Yoga là mở các "luân xa" trên đường tủy sống để tiếp nhận khí lực "hỏa xà" (kundalini, serpent energy). Tức là, tránh làm những gì có thể gây tai tiếng.
Nếu tôi biết bạn A không ưa gì bạn B trong khi ngoài mặt họ vẫn niềm nở với nhau, thì tôi có nên nói cho B biết không? Nếu nói để gây chia rẽ A-B (thường thì đây chính là mục đích của người nói: thằng đó chẳng tốt lành gì, hãy tránh xa nó) thì chắc là không. Nếu ý thức rằng cả A và B không phải là con người xấu, mà đơn giản chỉ là con người, đáng được Thượng Đế yêu mến, thì một người bạn tốt, nếu tôi cho mình là một người bạn tốt, cần phải làm sao để hóa giải sự "không ưa" kia.
Đành rằng, ở phương diện chủ quan, nếu tôi không muốn mọi người biết đến lời nói hay việc làm của tôi thì thà rằng tôi đừng nói/làm. Khách quan mà nói, nếu một người nào lỡ dại phát ngôn bừa, thì nỡ lòng nào ta khiến cho bằng hữu, người thân của họ bị vạ lây? Đúng là sự thật cần phải được phơi bày, nhưng phơi bày sao cho không gây tổn thương đến thanh danh và nhân phẩm của những người có liên quan. Đó là đức bác ái, và là một cái đẹp. Triết gia Dostoyevsky đã từng nói, "cái đẹp sẽ giải thoát cho thế gian". Nếu sửa thành "cái đẹp sẽ đem lại Hòa Bình cho thế gian" thì chắc là không ngoài ý tưởng của bác ấy nhỉ.